Pháp: Biểu tình phản đối cải cách giáo dục đại học

Hàng chục nghìn người đã xuống đường tại thủ đô Paris và nhiều thành phố khác của Pháp trong ngày 10/2 để phản đối dự án cải cách ngành đại học do Bộ trưởng Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Valerie Pecresse (Valerie Pecresse) đưa ra.

Hàng chục nghìn người đã xuống đường tại thủ đô Paris và nhiều thành phố khác của Pháp trong ngày 10/2 để phản đối dự án cải cách ngành đại học do Bộ trưởng Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Valerie Pecresse (Valerie Pecresse) đưa ra.
 
Cảnh sát cho biết số người biểu tình trên toàn quốc lên tới con số gần 50.000,  trong đó riêng ở Paris là hơn 20.000 người, số còn lại  là ở Lyon, Marseille cho tới Strasbourg, Toulouse và Nantes.

Đây là hoạt động tiếp theo trong làn sóng biểu tình và bãi giảng của các trường đại học trên toàn nước Pháp để phản đối dự án cải cách giáo dục đại học trên. Những người biểu tình, trong đó có cả các giáo sư, giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên, cho rằng dự án cải cách này là một hình thức "áp đặt logic công nghiệp vào đại học Pháp", là ''cuộc chiến chống kiến thức''.

Theo dự án cải cách này, quy chế giảng viên đại học sẽ thay đổi, họ sẽ bị đánh giá qua một hệ thống xếp hạng tự động. Và thay vì khuyến khích hợp tác, hệ thống này thúc đẩy sự cạnh tranh ác liệt trong giới nghiên cứu. Bên cạnh đó là viễn cảnh cắt giảm hơn 1.000 biên chế trong ngành đại học và nghiên cứu, không kể 900 việc làm dự kiến cắt giảm trong năm 2009.
 
Bộ trưởng Valerie Pecresse cho rằng dự án cải cách này nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các trường đại học Pháp, đồng thời tạo điều kiện cho các trường có thể tự do nhận tài trợ tư nhân. Tuy nhiên, bà cũng thông báo sẵn sàng xem xét lại một số quy định, đồng thời sẽ tiếp đại diện các công đoàn của ngành đại học. Tuy nhiên, công đoàn ngành giáo dục đại học cho biết đã phát động tổ chức cuộc biểu tình tiếp theo trên toàn quốc trong ngày 12/2.
 
Cuộc biểu tình này diễn ra khi Chính phủ của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc xuống đường bãi công phản đối cách điều hành của Tổng thống trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới.

Kể từ cuối tháng 1/2009, đã có hàng trăm cuộc biểu tình lớn nhỏ khác nhau được tổ chức tại hầu hết các thành phố lớn, với sự tham gia của hơn 2,5 triệu người, kêu gọi Chính phủ cánh hữu của ông Sarkozy hành động để ngăn chặn tình trạng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và mạng lưới an sinh xã hội xuống cấp báo động.
 
Mới đây, 8 công đoàn lớn ở Pháp đã kêu gọi tiến hành cuộc tổng bãi công trên toàn quốc vào ngày 19/3 tới./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục