Pháp gọi Tướng Giáp là "nhà chiến lược lỗi lạc"

Pháp ca ngợi Tướng Giáp là "nhà chiến lược lỗi lạc"

Báo LeMonde viết: "Tên tuổi của ông sẽ đi vào lịch sử như vị tướng duy nhất đã liên tiếp đánh bại quân đội Pháp và dám đương đầu với nước Mỹ".
Tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời chiều 4/10 ở tuổi 103 đã được nhiều hãng thông tấn báo chí của Pháp đưa tin đậm nét với nhiều bài viết ca ngợi thiên tài quân sự của Đại tướng, đồng thời trìu mến gọi ông là "nhà chiến lược của nền độc lập của Việt Nam". Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, báo Le Monde (Thế giới) số ra ngày 4/10 đã đăng bài viết của tác giả Jean-Claude Pomonti ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng của nền độc lập Việt Nam. Bài báo viết: "Tên tuổi của ông sẽ đi vào lịch sử như một trong những vị tướng vĩ đại nhất của thế kỷ XX, vị tướng duy nhất đã liên tiếp đánh bại quân đội Pháp và dám đương đầu với nước Mỹ". "Việc đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào tháng 5/1954 và sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn tháng 4/1975 là những chiến công vang dội nhất của vị tướng tài ba, người đã có công lớn trong việc cản phá Pháp quay lại Việt Nam và tìm mọi cách không để Mỹ nhảy vào thế chân Pháp". Bài báo đặc biệt nhấn mạnh tài thao lược của Đại tướng với việc sử dụng chiến thuật "hiệu ứng của sự bất ngờ" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ khi ông quyết định hoãn tấn công theo ngày giờ đã định trước, rồi ra lệnh đưa quân ra kể cả việc phải kéo pháo, thay phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" dựa vào việc tấn công ồ ạt, bằng phương án "đánh chắc, thắng chắc", một quyết định mà nửa thế kỷ sau đó, khi tiếp xúc với báo chí phương Tây ông đã thổ lộ là "khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình". Bài báo cũng đánh giá cao công tác hậu cần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong các chiến dịch lớn. Ông đã từng nói với báo chí phương Tây: "Nơi mà một con cừu đi qua được thì một người có thể đi qua được. Nơi một người có thể đi qua được thì một tiểu đoàn có thể đi qua được. Tại Điện Biên Phủ, để có thể tiếp tế một cân gạo cho chiến sĩ đang vây hãm khu lòng chảo, chúng tôi phải tiêu thụ tới bốn cân gạo trong quá trình vận chuyển. Chúng tôi đã huy động 260.000 dân công hỏa tuyến và hơn 20.000 xe đạp để thồ, 11.800 bè mảng, 400 xe tải và 500 xe ngựa để chuyên chở lương thực". Tư duy đó được tiếp tục phát huy với việc xây dựng "đường mòn Hồ Chí Minh" trong những năm 60 của thế kỷ trước giữa vùng rừng núi Việt Nam, với nhiều đoạn đường nằm vắt qua biên giới Lào và Campuchia, nhằm chi viện con người, vũ khí đạn dược và nhu yếu phẩm cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hãng tin Pháp AFP đã điểm lại quá trình chỉ huy quân đội của vị Tổng tư lệnh, gọi ông là tác giả đã gây ra thất bại thảm hại cho đội quân viễn chinh Pháp tại vùng lòng chảo Điện Biên Phủ, sự kiện đã đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương, nhận định ông là "kiến trúc sư của các thắng lợi của Việt Nam trước quân đội Pháp và Mỹ" và bình luận những chiến công đó đã đưa ông trở thành một "tượng đài trong lòng nhân dân". Báo Le Parisien thì đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những "nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất" của Lịch sử với từ Lịch sử được viết hoa, một trong những "gương mặt nổi bật nhất" của Việt Nam sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Tên tuổi và ảnh hưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vượt qua biên giới của lãnh thổ Việt Nam, tạo nguồn cảm hứng cho các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc từ châu Á qua châu Phi, đặc biệt là tại Algeria". Báo điện tử Rue 89 (Phố 89) trích dẫn các cảm xúc của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison tại buổi gặp Đại tướng lần đầu tiên tại Hà Nội với tư cách là Đại sứ Pháp. Ông đã bị ấn tượng mạnh bởi một "nhân vật xuất chúng" với tầm vóc nhỏ bé, đôi mắt tinh nhanh, vầng trán cao và mái tóc bạc, và dùng hình ảnh "một núi lửa dưới lớp tuyết trắng" để mô tả tính cách mạnh mẽ và quyết đoán của Đại tướng.
Pháp ca ngợi Tướng Giáp là "nhà chiến lược lỗi lạc" ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bác Hồ tại Điện Biên Phủ (Nguồn: TTXVN)
Báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng cộng sản Pháp thì gọi ông là "nhà chiến lược cho nền độc lập của Việt Nam", đồng thời nhắc lại câu trả lời khiêm tốn và dung dị của ông với báo chí nước ngoài khi được hỏi về nguyên nhân của những chiến thắng: "Chiến lược của tôi là chiến lược của hòa bình, tôi là vị tướng của hòa bình chứ không phải vị tướng của chiến tranh". Báo Libération (Giải phóng) thì dùng từ "huyền thoại" khi viết về Đại tướng, đồng thời trích dẫn nhận xét nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay: "Đằng sau mỗi chiến thắng, người ta luôn tìm thấy ở Đại tướng nguồn sức mạnh và động lực". Bài báo cũng nhắc lại những tình cảm yêu mến, sự ngưỡng mộ và sự trân trọng mà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà quân sự kiệt xuất đối với đóng góp to lớn của ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt tại các lễ kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật ông./.
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục