Pháp đang phải đối mặt với nạn gián điệp kinh tế

Trong vòng 4 năm qua, đã có khoảng 3.900 vụ tình nghi bị phát hiện, trong đó 1/3 số hồ sơ này liên quan đến các vụ tấn công vốn.
Nhật báo Le Figaro ngày 10/9 đã đề cập tới một kiểu “chiến tranh kinh tế” đang ngấm ngầm đe dọa các doanh nghiệp của Pháp. Theo nhận định của cơ quan Phản gián (DCRI) Pháp, thì cứ mỗi 7 giờ đồng hồ lại có một doanh nghiệp của Pháp bị tấn công.

Trong vòng 4 năm qua, đã có khoảng 3.900 vụ tình nghi bị phát hiện, trong đó 1/3 số hồ sơ này liên quan đến các vụ tấn công vốn (tức là chiếm phần góp vốn hay mưu toan mua lại các xí nghiệp gia công của các tập đoàn lớn).

Theo Le Figaro, trong vòng có 4 năm, các doanh nghiệp của Pháp, thuộc mọi loại hình từ các doanh nghiệp lớn cho đến các xí nghiệp nhỏ, đã trở thành mục tiêu tấn công dưới đủ hình thức mưu toan chiếm đoạt công thức, ăn cắp bằng sáng chế, cài đặt người… được điều khiển từ hậu trường, từ các cơ quan của chính phủ hay các tập đoàn đa quốc gia.

Tờ Le Figaro đã liệt kê lại các vụ gián điệp công nghiệp với những thủ đoạn tinh vi như giả lạc đường để lén chụp hình các dây chuyền lắp ráp. Gần đây, người ta bất ngờ phát hiện một gã lạ mặt trong phái đoàn đi tham quan một đơn vị sản xuất đang tẩm ướt chiếc cà vạt của mình, được may đệm thêm một lớp xốp, trong một dung dịch hóa chất.

Hoặc trong một sự cố khác, người ta đã phát giác ra tên gián điệp đã giấu những miếng nam châm trong lớp miếng lót giày để thu nhặt những phần tử kim loại quý trong một nhà máy luyện kim. Vào năm 2005, tập đoàn Valeo phát hiện một nữ thực tập sinh Trung Quốc ăn cắp các dữ liệu mật thuộc bộ phận xử lý nhiệt.

Cơ quan phản gián Pháp cho biết “mục tiêu tấn công hàng đầu chính là các phòng thí nghiệm, những nơi nghiên cứu các công nghệ cho tương lai trực thuộc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, Trung tâm nghiên cứu Khoa học Quốc gia, Viện Nghiên cứu quốc gia Nông học, Trường Bách khoa hay Viện Pasteur.”

Trong đó, tấn công bằng tin học dường như là đáng ngại nhất và hiệu quả nhất. Với sự phát triển lan tràn của Internet, các vụ tấn công kiểu này cũng chiếm số lượng quan trọng như là các vụ trộm cắp tại chỗ.

Tờ Le Figaro cũng dẫn thống kê cho biết những ngành được các gián điệp quan tâm nhiều nhất là hàng không, tiếp đến là sản xuất xe hơi, luyện kim và cuối cùng là chế biến thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục