Pháp: Dịch cúm có dấu hiệu lan rộng ở nhiều vùng

Theo số liệu thống kê của tổ chức Grog, dịch cúm hiện đã lan rộng ở hơn 10 vùng của Pháp, cả ở miền Nam, miền Bắc và vùng thủ đô Paris.
Dịch cúm đã bắt đầu tác động trên diện rộng tại nhiều vùng ở Pháp, người bị bệnh thường kèm theo một loạt các triệu chứng như sốt, ho, đau ê ẩm toàn thân và mệt mỏi.

Theo số liệu thống kê của tổ chức Grog (cơ quan chuyên theo dõi bệnh cúm ở Pháp), dịch cúm hiện đã lan rộng ở hơn 10 vùng của Pháp, cả ở miền Nam, miền Bắc và vùng thủ đô Paris.

Qua theo dõi của mạng lưới Oscour (chuyên giám sát dịch cúm tại nhiều bệnh viện ở Pháp), số ca mắc bệnh cúm phải nhập viện đã gia tăng trong những ngày vừa qua.

Từ cuối năm 2011, khoảng 33 trường hợp mắc bệnh cúm nghiêm trọng đã được phát hiện, chủ yếu ở người lớn hay bị các chứng béo phì, tiểu đường, các bệnh kinh niên. Từ tháng 1 đến nay, số ca bệnh nặng đòi hỏi phải qua bộ phận hồi sức cấp cứu, cũng gia tăng.

Theo giáo sư Bruno Lina, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc gia về bệnh cúm của Pháp, có đến 95% số ca phát hiện đều bị nhiễm chủng virus H3N2. Loại virus này qua xét nghiệm có một số biến thể so với gốc virus H3N2 được sử dụng trong loại vắcxin phòng bệnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế còn chưa biết rằng liệu các biến thể này có khiến loại vắcxin chống cúm bị vô hiệu hóa hay không.

Sau ba tuần lạnh giá, khi thời tiết có dấu hiệu ấm dần lên, là thời điểm virus cúm dễ lây lan trong các bộ phận dân cư ở Pháp.

Tuy nhiên, với kỳ nghỉ đông của học sinh sắp đến, nhất là trong vùng thủ đô Paris, nguy cơ lây lan dịch cúm sẽ giảm đối với trẻ nhỏ.

Sau dịch cúm H1N1 xảy ra năm 2009-2010, ít mạnh hơn so với dự kiến ở Pháp, người dân Pháp có xu hướng ít tiêm phòng vắcxin. Năm 2010, chỉ khoảng 20% dân Pháp tiêm phòng vắcxin chống cúm, so với tỉ lệ 26% của những năm trước.

Các số liệu thống kê đầu năm 2012 cho thấy tỷ lệ tiêm phòng vắcxin chống loại bệnh này đang ở mức trung bình, khoảng 23%.

Những tranh cãi về dịch cúm H1N1 hồi năm 2009 rõ ràng đã làm thay đổi đáng kể thái độ của người dân Pháp về bệnh cúm, với sự ngờ vực gia tăng về hiệu quả của vắcxin chống cúm.

Ngoài ra, việc điều trị bằng các loại thuốc kháng virus, nhất là Tamiflu, đã được chỉ định sử dụng đặc biệt trong các bệnh viện, trong trường hợp bệnh nhân mắc cúm, vì các loại thuốc này làm giảm nguy cơ nghiêm trọng của bệnh./.

Trung Dũng/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục