Pháp đối mặt nguy cơ ô nhiễm môi trường từ tàu hàng Italy bị chìm

Giới chức Pháp ngày 13/3 cho biết nước này đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường sau khi một tàu hàng của Italy chở 45 container chứa "chất độc hại" đã bị chìm trên Đại Tây Dương.
Pháp đối mặt nguy cơ ô nhiễm môi trường từ tàu hàng Italy bị chìm ảnh 1Tàu chở hóa chất của Italy bị cháy nổ và chìm tàu ngoài khơi Đại Tây Dương. (Nguồn: AFP)

Giới chức Pháp ngày 13/3 cho biết nước này đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường sau khi một tàu hàng của Italy chở 45 container chứa "chất độc hại" đã bị chìm trên Đại Tây Dương trước đó 3 ngày.

Theo nhà chức trách Pháp, dựa theo hướng gió hiện nay, vệt dầu dài 10km, rộng 1km có thể bắt đầu loang tới các khu vực Tây Nam nước Pháp trong đó có Gironde và Charente-Maritime gần Bordeaux vào cuối tuần.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Môi trường Pháp Francois de Rugy cho biết cơ quan chức năng nước này đã sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Theo đó, Pháp sẽ huy động 4 tàu để khống chế vệt dầu loang và sẵn sàng hoạt động dọn dẹp trên bờ. Tuy nhiên, thời tiết xấu có thể cản trở hoạt động phòng chống ô nhiễm môi trường này.

[Trung Quốc: Chìm tàu đánh cá trên biển khiến 12 người mất tích]

Tối 10/3, tàu chở hàng, mang tên Grande America, đang trên hành trình từ Hamburg (Đức) đến Casablanca (Maroc), bất ngờ bốc cháy.

Toàn bộ 27 người trên tàu đã được cứu thoát trước khi con tàu bị chìm trên Đại Tây Dương, cách Penmarch, khoảng 260km về phía Tây Nam. Chủ tàu Grande America cho biết trên tàu có 365 container, trong đó có 45 container chứa chất độc hại trong đó có 100 tấn axit clohydrich và 70 tấn axit sulphuric, cùng khoảng 2.000 phương tiện giao thông.

Giới chức Pháp cho rằng nguy cơ ô nhiễm môi trường chủ yếu đến từ 2.200 tấn nhiên liệu lỏng nặng trên tàu trong khi nguy cơ ô nhiễm do hóa chất sẽ được khu biệt hóa do hầu hết các hóa chất này đã bị cháy.

Tuy nhiên, nhóm vận động môi trường Robin des Bois (Robin Hood) cho biết sẽ đệ đơn khiếu nại lên tòa án quận Brest về việc hủy hoại môi trường do 2.000 phương tiện giao thông bị chìm xuống đáy biển kéo theo việc hàng trăm tấn nguyên liệu độc hại hiện hữu tại khu vực nhiều cá và sinh vật biển, chưa kể nguy cơ ô nhiễm môi trường đối với các khu vực bờ biển.

Chính quyền địa phương đã mở cuộc điều tra và chủ tàu có thể phải chịu trách nhiệm và chi phí cần thiết cho việc phòng tránh ô nhiễm môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục