Pháp đối mặt với nhiều thách thức vực dậy nền kinh tế

Nền kinh tế ''èo uột'' của Pháp mới đây chịu thêm một ''gáo nước lạnh'' khi EU cho rằng không có lý do gì để kéo dài thời hạn cắt giảm thâm hụt ngân sách cho Pháp.

Mới đây, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Liên minh châu Âu (EU), Olli Rehn, nói rằng EU không có lý do gì để kéo dài thời hạn cắt giảm thâm hụt ngân sách cho Pháp.

Ông Rehn nhấn mạnh, các nhà hoạch định chính sách Pháp nên rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng nợ và thực thi những gì đã cam kết.

Tuyên bố của ông Rehn được đánh giá là tạo thêm một áp lực lên nền kinh tế Pháp đang nặng nợ.

Hy vọng ''mong manh'' từ nội các mới

Chỉ vài giờ sau khi Đảng Xã hội cầm quyền thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 31/3 đã thông báo sự ra đi của Thủ tướng Jean Marc Ayrault và người kế nhiệm ông là Manuel Valls, cựu Bộ trưởng Nội vụ Pháp.

Một số tờ báo đã ví quyết định của ông Hollande như ''một cuộc hôn nhân'' có tính toán và nếu tân Thủ tướng có thể dung hòa hai vế ''tự do'' và ''xã hội'' thì cuộc ''hôn nhân'' này có triển vọng thành công.

Theo cách nói của ông Hollande, chính phủ mới sẽ là một ''chính phủ có tính chiến đấu,'' với đội ngũ ''rút gọn, liên kết và gắn bó,'' đủ khả năng đưa đất nước vượt qua thử thách.

Chính phủ mới đang được kỳ vọng sẽ thổi ''một làn gió mới'' cho nền kinh tế. Song, một số người cho rằng, Nội các mới chỉ là ''bình mới rượu cũ.''

Báo chí Pháp nhận định, tân Thủ tướng Pháp đang ở trong tình thế ''làm xiếc trên dây.''

Tờ Libération đưa ra hai thách thức trước mắt đối với tân chính phủ là cuộc bỏ phiếu về ''thỏa ước trách nhiệm'' tại Quốc hội vào cuối tháng Tư, và áp lực tuân thủ quy định tiết kiệm 50 tỷ euro trước Ủy ban châu Âu (EC) trong thời gian từ 2014-2017.

Báo La Croix thừa nhận nhiệm vụ của tân chính phủ là nan giải, khả năng phục hồi kinh tế Pháp còn xa vời, những con số gần đây nhất về thâm hụt ngân sách và thất nghiệp không hề mang lại niềm lạc quan.

Với nhiều nhiệm vụ nan giải đang bày ra trước mắt, lựa chọn của ông Hollande khi bổ nhiệm tân Thủ tướng, người chưa bao giờ giấu tham vọng trở thành chủ nhân mới của Điện Elysee, là một canh bạc đầy rủi ro.

Tuy giành được sự ủng hộ lớn của người dân kể từ năm 2012 và có nhiều thế mạnh, nhưng ông Valls chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý kinh tế. Thêm vào đó, người ta cho rằng ông khó tạo được sự thống nhất.

Ông Valls thường là trung tâm của các cuộc căng thẳng vì trong các chính sách ông đưa ra có việc chống lại người nhập cư Rome và cho phép cảnh sát hành động chống các nhà hoạt động môi trường.

Việc bổ nhiệm ông có thể làm gia tăng sự chia rẽ ngay trong Chính phủ Pháp.

Tổng thống Hollande đã đề ra một loạt mục tiêu cho chính phủ mới, trong đó có việc khôi phục sức mạnh cho nền kinh tế èo uột bằng ''thỏa ước trách nhiệm.''

Theo đó, chính phủ sẽ giảm các khoản đóng góp bắt buộc đối với doanh nghiệp để đổi lấy việc doanh nghiệp tăng tuyển dụng và tăng đầu tư vào sản xuất.

Theo ông Hollande, ''thỏa ước trách nhiệm'' là một cơ hội đối với nước Pháp, trong việc huy động sức mạnh chung nhằm tạo thêm nhiều việc làm trong xã hội và từng bước nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề dễ dàng. Trước hết, điện Elysee vẫn chưa cung cấp chi tiết đầy đủ về ''thỏa ước trách nhiệm'' được công bố từ tháng Một.

Tiến trình này quá chậm chạp và Chính phủ Pháp phải đàm phán để đạt được các thỏa thuận với các công đoàn và giới chủ. Dự kiến, kế hoạch này có thể sẽ được công bố ngay trước kỳ nghỉ Hè của Quốc hội Pháp.

Thứ hai, thỏa ước này sẽ liên quan đến việc giảm thuế ở thời điểm mà Pháp đang chịu áp lực từ EU yêu cầu phải cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Phát biểu trước Quốc hội, ông Valls đã trình bày chi tiết ''Thỏa ước trách nhiệm,'' trong đó đề nghị cắt giảm chi phí lao động 30 tỷ euro (41,4 tỷ USD) đến năm 2016 để khuyến khích tuyển thêm lao động, trong khi mức thuế ''chuẩn'' đánh vào lợi tức của công ty kinh doanh sẽ bị giảm từ 33% xuống còn 28% đến năm 2020.

Nỗ lực của Chính phủ Pháp nhằm hạn chế chi phí có thể phát sinh ở mức 19 tỷ euro (26,21 tỷ USD) của chính quyền địa phương và quỹ bảo hiểm y tế nhằm tiết kiệm 10 tỷ euro (13,79 tỷ USD).

Thủ tướng Valls hy vọng nỗ lực cắt giảm chi tiêu công của chính phủ sẽ được mọi người chia sẻ để tiết kiệm 50 tỷ euro (68,97 USD) đến năm 2017.

Kinh tế Pháp dự báo sẽ tăng trưởng rất thấp trong năm nay, có thể dưới 1% theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức cao kỷ lục.

Trong tháng Hai, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp là 10,4%.

Theo số liệu thống kê mới đây, thâm hụt ngân sách của Pháp trong năm 2013 tương đương 4,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nước này đã không thực hiện được mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách về mức 4,1% GDP như dự kiến trước đó.

Trong khi đó, theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Pháp (INSEE), nợ công của nước này trong năm 2013 đã tăng lên tương đương 93,5% GDP, cao hơn con số 90,6% GDP của năm 2012.

Áp lực từ châu Âu

Tháng 6/2013, EU đã gia hạn cho Pháp thêm hai năm (tới năm 2015) để giảm thâm hụt ngân sách từ mức dự kiến 4% GDP trong năm nay xuống mức trần 3% GDP theo quy định của EU vào năm 2015. Tuy nhiên, sau khi thành lập nội các mới vào đầu tháng Tư, Pháp muốn thảo luận lại về hạn chót đáp ứng mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách.

Ông Rehn, người duy nhất có thể đề nghị về việc xem xét lại hạn chót, khẳng định Pháp không có ''cơ hội'' xin gia hạn.

Theo luật mới của EU, nếu một quốc gia không hoàn thành cam kết giảm thâm hụt ngân sách sẽ phải chịu phạt ngay lập tức.

Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso từng nói rằng, EC có thể sẽ xem xét áp dụng các chế tài và biện pháp trừng phạt nếu Pháp không thực hiện được những cam kết về tài chính.

Trên thực tế, vẫn tồn tại một khoảng cách giữa quan điểm của Chính phủ Pháp và EC .

Pháp rơi vào thế bí khi muốn thực hiện những chương trình cải cách trên diện rộng đối với lương hưu và các hợp đồng lao động thông qua việc thương lượng với người lao động và công đoàn mà không để xảy ra các cuộc biểu tình.

Ông Hollande cho rằng trong trường hợp Pháp có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc giảm bớt gánh nặng thuế đối với doanh nghiệp và các hộ gia đình, nước này không thể đưa thâm hụt ngân sách giảm xuống dưới mức trần quy định 3% GDP của EU.

Trong khi đó, EU chỉ trích rằng, các biện pháp mà Pháp tiến hành là ''nửa vời'' và thiếu hiệu quả trong việc cân đối hệ thống tài chính công cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm.

Tổng thống Hollande tiếp tục cam kết và hứa hẹn, song EU cho rằng ông cần có hành động cụ thể.

Theo một số chuyên gia, sự sa sút của nền kinh tế, thiếu những cải cách triệt để, cộng thêm sự ''thờ ơ'' của ông Hollande đối với những chính sách kinh tế, tài chính tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã làm giảm tiếng nói của Pháp ở khu vực.

Một quan chức của châu Âu đã ví von việc chờ đợi Pháp trở nên có trách nhiệm hơn với châu Âu giống như chờ đợi ''Godot'' (nhân vật trong một tác phẩm của Samuel Beckett), một người không bao giờ xuất hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục