Pháp, Đức bất đồng về cơ chế trừng phạt của EU

Trong khi Đức ủng hộ việc trừng phạt các nước EU vi phạm quy định về ngân sách của khối thì Pháp lại lại phản đối cơ chế này.
Bộ trưởng tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) họp ngày 27/9 tại Brussels, Bỉ đã nhất trí áp đặt "cơ chế trừng phạt tự động" đối với những nước thành viên vi phạm quy định về ngân sách của khối.

Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy cho biết hội nghị đã nhận được sự đồng thuận lớn về "cơ chế trừng phạt tự động" đối với các nước thành viên không tuân thủ những quy định về tài chính như để thâm hụt ngân sách hoặc nợ công quá cao, vượt mức trần quy định.

Theo ông Rompuy, hầu hết các bộ trưởng tài chính đều khẳng định cần phải áp đặt "cơ chế luật pháp" trong khuôn khổ EU, theo đó các biện pháp trừng phạt sẽ được nâng dần vào bất kỳ thời điểm nào, tùy thuộc vào từng trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, Pháp và Đức - hai nền kinh tế đầu tàu của EU, lại bất đồng về cơ chế này. Trong khi Đức ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt không cần thông qua sự bỏ phiếu của các nước thành viên, thì Pháp lại phản đối cơ chế này, cho rằng các nước EU cần có tiếng nói mạnh mẽ trong bất kỳ hình thức trừng phạt nào.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng không ủng hộ ý tưởng áp đặt cơ chế trừng phạt tự động của EU. Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet cảnh báo tiến trình thực hiện còn nhiều khó khăn và EU khó có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt vì hiện tại gần như tất cả các nước thành viên trong khối này đều có mức thâm hụt ngân sách vượt quá giới hạn 3% GDP theo quy định trong Hiệp ước tăng trưởng và ổn định của châu Âu.

Sức ép gia tăng các hình thức trừng phạt đối với các nước thành viên EU vi phạm quy định tài chính ngày càng lớn sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp, buộc EU và IMF tháng Năm vừa qua phải "ra tay," với khoản cho vay cứu trợ lên tới hàng trăm tỷ euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục