Pháp, Đức kêu gọi EU xem xét lại kế hoạch tiếp nhận người di cư

Ngày 1/6, Pháp và Đức đã kêu gọi EU xem xét lại kế hoạch cho phép người di cư được tiếp nhận tại châu Âu do tính chất "thiếu cân bằng" của nó, đồng thời đề xuất cơ chế mới sàng lọc người di cư.
Pháp, Đức kêu gọi EU xem xét lại kế hoạch tiếp nhận người di cư ảnh 1Người di cư được tàu của hải quân Bỉ đưa vào cảng Crotone thuộc vùng Calabria, miền nam Italy ngày 30/5. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Ngày 1/6, Pháp và Đức đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xem xét lại kế hoạch cho phép người di cư được tiếp nhận tại châu Âu do tính chất "thiếu cân bằng" của nó, đồng thời đề xuất cơ chế mới sàng lọc người di cư.

Tuyên bố chung của bộ trưởng Nội vụ Pháp và Đức kêu gọi thảo luận sâu trên toàn EU nhằm cân đối hai nguyên tắc "trách nhiệm" và "sự chia sẻ" trong vấn đề tiếp nhận người di cư.

Hiện EU đề nghị các nước thành viên tiếp nhận 20.000 người tị nạn Syria và xem xét tiếp nhận 40.000 người di cư tìm kiếm quy chế tị nạn từ Syria và Eritrea hiện đang lưu trú tại Italy và Hy Lạp.

Hạn ngạch tiếp nhận của các nước thành viên EU phụ thuộc vào tổng sản lượng quốc gia, dân số, tỷ lệ thất nghiệp và số lượng người tị nạn trong dân số đất nước, theo đó Đức và Pháp sẽ phải tiếp nhận gần 40% số người di cư trên. Song, Berlin và Paris cho rằng các nước EU chỉ có thể chia sẻ (trong việc tiếp nhận người di cư) nếu mọi biện pháp pháp lý và tài chính cần thiết để tăng cường giám sát biên giới đã được họ thực hiện tại điểm nhập cư đầu tiên có sự hỗ trợ từ ngân sách EU.

Đức và Pháp đề nghị lập những trạm tạm trú cho người di cư tại điểm nhập cư đầu tiên nhằm nhận dạng, sau đó quyết định nơi định cư cho họ. Trong đó, số người tìm kiếm quy chế tị nạn thực sự cần được bảo vệ sẽ có thể được tái định cư ở một nước khác theo thỏa thuận phân chia. Còn những người "di cư không đúng quy định" sẽ được trao trả nhanh chóng hoặc bị trục xuất. Những người di cư không thuộc cả hai nhóm trên sẽ được xác minh tình trạng tại nước nhập cư đầu tiên.

Trong tuyên bố, Đức và Pháp cũng kêu gọi ngăn chặn một "làn sóng di cư thứ phát" để tránh làm ảnh hưởng đến ý tưởng chung biên giới trong nội khối EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục