Pháp hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2014

Pháp vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 từ mức 1,2% xuống 0,9%, song vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 0,1% của năm nay.
Chính phủ Pháp vừa điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2014 từ mức ước tăng 1,2% xuống 0,9%, song vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 0,1% của năm nay.

Trong khi đó, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault thừa nhận rằng năm nay Pháp không thể đạt mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách về hạn mức mà Liên minh châu Âu (EU) quy định.

Sự điều chỉnh trên được đưa ra sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC) từng cảnh báo rằng những dự đoán của Pháp về triển vọng tăng trưởng kinh tế là quá lạc quan và cho rằng nước này cần thêm thời gian để đưa lĩnh vực tài chính bình ổn trở lại mà không ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh.

Mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này đã thoát khỏi tình trạng suy thoái nhẹ trong quý 2/2013, song hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như hoạt động sản xuất yếu kém và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici dự kiến thâm hụt ngân sách năm 2013 sẽ vào khoảng 4,1% GDP, cao hơn mức 3,9% GDP đã thỏa thuận với EU, và thâm hụt ngân sách năm 2014 sẽ là 3,6% GDP. Nước này đặt mục tiêu đưa thâm hụt về dưới 3% GDP theo quy định của EU vào năm 2015.

Trước đó, vào tháng 5/2013, EC đã gia hạn cho Pháp thêm hai năm để đưa thâm hụt ngân sách về mức giới hạn 3% GDP, đồng thời đề xuất lịch trình giảm thâm hụt ngân sách của Pháp theo các năm 2013, 2014 và 2015 lần lượt là 3,9%, 3,6% và 2,8% GDP.

Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ Pháp cần cắt giảm chi tiêu 15 tỷ euro (19,8 tỷ USD) trong ngân sách năm 2014, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách thêm 3 tỷ euro từ việc tăng thuế và ngăn chặn nạn trốn thuế.

Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande đã cam kết trong năm 2013 sẽ xoay chuyển tình trạng thất nghiệp liên tục tăng cao, nhưng giới phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng này, khi tỷ lệ thất nghiệp của Pháp đã lần đầu tiên "vọt" lên mức 3 triệu người trong quý 2 năm nay.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định rằng giá nhân công tại Pháp đắt chính là nguyên nhân khiến thị trường lao động nước này trở nên kém cạnh tranh hơn trong nền kinh tế toàn cầu, trong khi chi tiêu tiêu dùng của người dân lại đang có xu hướng giảm trong vài năm gần đây do cuộc khủng hoảng kinh tế lan rộng tại Eurozone.

Tổng thống Pháp François Hollande và Bộ trưởng Công nghiệp Arnaud Montebourg vừa công bố một chương trình quy mô lớn nhằm khôi phục nền công nghiệp Pháp. Với 34 kế hoạch cụ thể, chính phủ của Tổng thống Hollande đề ra mục tiêu đưa nước Pháp trở lại thành nền công nghiệp hàng đầu của thế giới.

Chương trình đầy tham vọng gồm 34 kế hoạch để hỗ trợ cho mạng lưới công nghiệp của Pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến ba lĩnh vực chiến lược gồm năng lượng sạch và môi trường, y tế và công nghệ số. Mục tiêu đề ra là trong 10 năm tới khu vực công nghiệp phải đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia.

Để thực hiện được mục tiêu đó, nước Pháp sẽ tăng đầu tư vào những ngành công nghệ có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, từ công nghệ nano, đến tàu hỏa cao tốc đời mới, từ xe ôtô điện, công nghệ sinh học đến công nghệ tự động.

Theo Bộ trưởng Công nghiệp Arnaud Montebourg, 34 kế hoạch nói trên đem về thêm cho nền kinh tế của Pháp 45 tỷ euro, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 18 tỷ euro. Kế hoạch vực dậy nền công nghiệp nói trên sẽ cho phép tạo thêm 475.000 công việc làm trong thập niên sắp tới, trong khi 10 năm vừa qua, trong lĩnh vực công nghiệp của Pháp đã có 750.000 nhân viên bị sa thải.

Từ trước đến nay, Pháp luôn là nền công nghiệp tiên tiến với một đội ngũ các chuyên gia và các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới, thế nhưng sức cạnh tranh của Pháp lại không ngừng tuột dốc từ suốt một thập niên qua. Do vậy, Tổng thống Hollande đang muốn khôi phục lại vị trí cường quốc công nghiệp cho nước Pháp./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục