Pháp: Kế hoạch làm giàu urani của Iran tiến gần tới "giới hạn đỏ"

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng tuyên bố của Iran về khả năng tăng công suất làm giàu urani nếu thỏa thuận hạt nhân Iran bị hủy bỏ, có nguy cơ tiến gần tới "giới hạn đỏ."
Pháp: Kế hoạch làm giàu urani của Iran tiến gần tới "giới hạn đỏ" ảnh 1Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/6, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng tuyên bố của Iran về khả năng tăng công suất làm giàu urani nếu thỏa thuận hạt nhân Iran bị hủy bỏ, có nguy cơ tiến gần tới "giới hạn đỏ."

Phát biểu trên đài phát thanh Europe 1, Ngoại trưởng Le Drian cho biết thông báo của Iran không được hoan nghênh, đồng thời nhấn mạnh rằng việc sắp gần "giới hạn đỏ" luôn là điều nguy hiểm.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu Pháp khẳng định kế hoạch này của Iran được cho là vẫn nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm 5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Trước đó, ngày 4/6, lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei thông báo đã ra lệnh thực hiện các bước chuẩn bị để tăng công suất làm giàu urani nếu JCPOA bị hủy bỏ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

[EU: Kế hoạch làm giàu uranium của Iran không vi phạm JCPOA]

Iran cũng thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về dự định sản xuất nguyên liệu chạy máy ly tâm được dùng để làm giàu urani.

JCPOA quy định việc dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt chống Iran để đổi lấy việc Tehran ngừng chương trình hạt nhân vì mục đích quân sự.

Theo thỏa thuận này, Iran có quyền xây dựng và thử nghiệm một số máy ly tâm nhất định cho mục đích dân sự, mặc dù có bị hạn chế trong 10 năm đầu sau thỏa thuận về chủng loại và số lượng máy. Ngoài ra, Tehran chỉ có thể làm giàu urani lên mức 3,67%.

Tuy vậy, tương lai của JCPOA đã rơi vào thế bấp bênh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng quyết định tái khởi động các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran.

Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA vẫn nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này vì coi đây là cơ hội tốt nhất để ngăn chặn Tehran phát triển bom nguyên tử.

Tuy nhiên, các nước châu Âu cảnh báo rằng nếu Iran không tuân thủ các điều khoản trong JCPOA, họ cũng sẽ buộc phải rút khỏi thỏa thuận và áp đặt các trừng phạt nhằm vào Iran giống như hành động của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục