Pháp: Ngày Quốc tế lao động nhuốm màu chính trị

Giống với các năm 2002 và 2007, các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế lao động ở Pháp cũng thấp thoáng màu sắc chính trị trước bầu cử.
Năm nay, cũng như các năm 2002 và 2007, ngày quốc tế lao động rơi vào đúng thời điểm giữa hai vòng bầu cử tổng thống Pháp. Nếu như năm 2002, các cuộc tuần hành đã biến thành một cuộc tập hợp khổng lồ chống lại ứng cử viên cực hữu Jean-Marie Le Pen thì có vẻ như năm nay, các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế lao động cũng thấp thoáng màu sắc chính trị trước bầu cử.

Nói như vậy là bởi vào chiều 1/5, ứng cử viên Nicolas Sarkozy sẽ tổ chức một cuộc tập hợp riêng về vấn đề lao động, trong khi đó bà Marine Le Pen cũng sẽ có mặt tại một sự kiện quần chúng do Mặt trận Quốc gia tổ chức.

Tuy không hòa cùng dòng người xuống phố do các nghiệp đoàn tổ chức, nhưng ứng cử viên François Hollande cũng sẽ có mặt tại một cuộc míttinh tưởng nhớ Pierre Beregovoy, cựu thủ tướng của Đảng Xã hội đã tự sát vào ngày 1/5/1993.

Trong nhiệm kỳ của mình và ngay trước bầu cử vòng hai, ông Sarkozy đã không ngừng chỉ trích vai trò của các tổ chức trung gian và các nghiệp đoàn Pháp. Trước thềm bầu cử vòng hai một tuần, ông đã gọi ngày 1/5 là ngày hội của "lao động thật," khiến các nghiệp đoàn lao động phản ứng dữ dội, buộc ông phải sửa lại thành "ngày hội lao động thực sự."

Trước hàng chục nghìn người ủng hộ tại quảng trường Trocadero ở thủ đô Paris, ông sẽ dành phần lớn bài phát biểu của mình để nói về "giá trị lao động," các vấn đề kinh tế và đường biên giới của nước Pháp và Liên minh châu Âu, tức là những chủ đề được ông đề cập rất nhiều trong các diễn văn tranh cử trước đó.

Việc ông lấy danh nghĩa ngày hội lao động để tổ chức một sự kiện phục vụ tranh cử được các nghiệp đoàn Pháp coi là một thách thức đối với họ. Trước đó, trong lời kêu gọi người lao động tuần hành, các tổ chức này đã không đả động đến vấn đề tranh cử tổng thống và cam kết không đưa ra các thông điệp chính trị trên các băngrôn, khẩu hiệu tuần hành.

Tuy vậy, một số nghiệp đoàn vẫn công khai bày tỏ mong muốn Tổng thống sắp mãn nhiệm thất bại. Theo một thăm dò dư luận về "Liên kết xã hội" do Viện Harris-Interactive thực hiện, 43% cảm tình viên của các nghiệp đoàn đã bỏ phiếu cho ông Hollande tại vòng một, trong khi số bỏ phiếu cho ông Sarkozy chỉ có 14%. Rất có thể các cuộc tuần hành kỷ niệm ngày quốc tế lao động sẽ có những người kêu gọi phản đối tổng thống sắp mãn nhiệm.

Năm nay, các tổ chức nghiệp đoàn Pháp dự kiến tổ chức gần 300 cuộc tuần hành trong cả nước. Nhiều lãnh đạo của Đảng Xã hội như Martine Aubry và Segolene, và chủ tịch Mặt trận Cánh tả (FG) Jean-Luc Melenchon cũng góp mặt tại các cuộc tuần hành do các nghiệp đoàn tổ chức tại thủ đô Paris. Cựu ứng cử viên FG đã kêu gọi toàn thể cử tri đã bỏ phiếu cho ông tại vòng một bầu cử cùng tham gia diễu hành vì "một ngày mồng một tháng Năm thống nhất và mạnh mẽ sửng sốt!"

Đảng Xã hội (PS) năm nay không tổ chức kỷ niệm ngày quốc tế lao động. Nhưng để củng cố "tập hợp" chống đối thủ Sarkozy, ứng cử viên Hollande đã gửi thư ngỏ đến các nghiệp đoàn, nội dung nhấn mạnh rằng nếu được bầu, ông "sẽ trở thành một nguyên thủ nhà nước chuyên tâm làm sống dậy nền dân chủ xã hội" tại nước Pháp.

Dường như ứng cử viên PS muốn thúc đẩy lợi thế mà ông có được với các nghiệp đoàn vốn đang ngày càng công khai với lựa chọn chính trị của mình trước bầu cử vòng hai. Chỉ cần các tổ chức này hô hào các khẩu hiệu chống thất nghiệp và nghèo đói, tăng lương và tăng sức mua… cho người lao động là đủ đối với ông.

Cuộc tập hợp lực lượng của Mặt trận Quốc gia sẽ kết thúc tại quảng trường Opera (Paris), nơi bà Le Pen sẽ có một bài phát biểu rất được chờ đợi. Quả thực dư luận đang rất muốn biết bà có phát tín hiệu ủng hộ bầu cử tổng thống vòng hai hay không./.

Nguyễn Tuyên/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục