Pháp thúc đẩy xây kho dự trữ lương thực chiến lược

Tổng thống Pháp vừa bước vào chiến dịch vận động tìm sự ủng hộ của các nước đối với kế hoạch xây dựng kho dự trữ chiến lược nông sản.
Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa bước vào một chiến dịch vận động trên quy mô toàn cầu để tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đối với kế hoạch xây dựng kho dự trữ chiến lược nông sản - một trong những biện pháp táo bạo nhất để kiểm soát giá lương thực.

Hiện có sự quan ngại ngày một gia tăng về nguy cơ thế giới phải đối mặt với đợt khủng hoảng giá lương thực lần thứ ba trong vòng 4 năm, sau khi khu vực Midwest của Mỹ và vùng Biển Đen ở châu Âu phải hứng chịu những đợt hạn hán khắc nghiệt.

Lần đầu tiên Pháp đưa vấn đề này ra là vào năm 2011, khi nước này giữ ghế Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20), tuy nhiên đề xuất này không nhận được sự hưởng ứng nhiều. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Hollande lần này có thành công hơn lần trước trong việc thuyết phục Mỹ và các nước đối tác ở châu Âu khôi phục lại các kho dự trữ ngũ cốc - vốn bị dẹp bỏ cách đây nhiều thập niên. Ông Hollande cũng muốn sử dụng kho dự trữ hiện hành như trường hợp của Trung Quốc một cách "có tính hợp tác hơn" để giải quyết các vấn đề lương thực toàn cầu.

Một quan chức thuộc Bộ Tài chính Mexico cho biết, trong phiên họp vào ngày 23-24/9 tới, G20 sẽ cân nhắc về sự cần thiết của một kế hoạch hành động nhằm đối phó với giá lương thực cao. Trong khi đó, các cơ quan lương thực của Liên hợp quốc đề nghị các nhà lãnh đạo phối hợp hành động nhanh để đảm bảo cơn sốc giá thực phẩm không chuyển thành một thảm họa có thể ảnh hưởng tới hàng chục triệu người trong những tháng tới.

Các chuyên gia phân tích cho rằng những thách thức trong quá trình thực hiện cũng như chi phí để duy trì kho dự trữ lương thực trong dài hạn vẫn khiến các nước nản lòng. Cụ thể, việc quản lý sẽ khó khăn, vì không giống như kho dự trữ dầu chiến lược sẽ được trữ trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, kho dự trữ ngũ cốc phải quay vòng định kỳ, khiến quá trình tích trữ phức tạp hơn và chi phí tích trữ leo thang.

Oxfam ước tính, dự trữ ngũ cốc toàn cầu ở mức 105 triệu tấn sẽ đủ để tránh một cuộc khủng hoảng giá lương thực như hồi năm 2007-2008. Chi phí duy trì kho dự trữ này ước khoảng 1,5 tỷ USD.

Mặc dù duy trì kho dự trữ dầu chiến lược quy mô lớn, Mỹ đã quyết định giải tán kho dự trữ ngũ cốc cách đây 2 thập niên và nói chung phản đối ý tưởng thành lập kho dự trữ lương thực ở quy mô khu vực hoặc thế giới vì cho rằng nó "phản tác dụng, tốn kém và tác động đến thị trường."

Pat Westhof, Giám đốc bộ phận tư vấn tại FAPRI thuộc Đại học Missouri nhận định trong thời gian ngắn hạn, đưa ngũ cốc vào kho dự trữ sẽ khiến giá tăng do lượng ngũ cốc sẵn có trên thị trường giảm đi. Còn trong thời gian dài hạn, kinh nghiệm cho thấy sẽ rất khó để thống nhất các quy định về hoạt động của kho dự trữ chiến lược./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục