Pháp: Toàn cảnh những sai lầm về kinh tế trong thập niên vừa qua

Theo các nhà phân tích, những thất bại của nền kinh tế Pháp trong 10 năm qua không chỉ do tích lũy từ những cú sốc đến từ bên ngoài, mà còn do những sai lầm từ bên trong.
Pháp: Toàn cảnh những sai lầm về kinh tế trong thập niên vừa qua ảnh 1Người vô gia cư trên đường phố tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Quyết định tồi tệ nhất trong trong 10 năm qua vừa qua đối với kinh tế Pháp là "cú sốc" thuế do cựu Tổng thống Pháp François Hollande và cựu Thủ tướng Jean-Marc Ayrault thực hiện vào các năm 2012 và 2013, theo nhận định của tờ Le Figaro số ra gần đây.

Cách đây hơn 10 năm, thế giới đã rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có, gây ra những cú sốc kinh tế ở mọi quốc gia. Mỹ là nước đầu tiên rơi vào suy thoái cuối năm 2007, tiếp theo là một số nước châu Âu năm 2008.

Tại Pháp, GDP giảm 2,9% trong năm 2009, mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Kể từ đó, Pháp đã dần thoát khỏi nguy hiểm, nhưng cũng không tạo ra những cú nhảy vọt, kém hơn nhiều nước láng giềng. Thâm hụt ngân sách công vượt xa giới hạn đặt ra, tăng trưởng tụt hậu, tỷ lệ thất nghiệp cao...

Theo các nhà phân tích, những thất bại của nền kinh tế Pháp trong 10 năm qua không chỉ do tích lũy từ những cú sốc đến từ bên ngoài, mà còn do những sai lầm từ bên trong.

Ông Denis Ferrand, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Rexecode, nhấn mạnh: "Không bao giờ có một sự thật sau cùng trong kinh tế học. Những gì là một công thức tốt tại thời điểm này lại có thể không tốt ở thời điểm khác."

Từ khi kết thúc cuộc khủng hoảng kinh tế lớn vừa qua, các đời lãnh đạo nước Pháp đã đưa ra nhiều quyết định chưa phù hợp. Một nghiên cứu của hãng tư vấn Xerfi chỉ rõ ba sai lầm: lỗi chiến lược, lỗi định hướng và lỗi thời gian.

Lỗi chiến lược

Chiến lược của mỗi nhà cầm quyền thông thường là chê bai những gì mà người tiền nhiệm - với màu sắc chính trị khác - đã thực hiện, hoặc thậm chí đưa ra những quyết định ngược lại. Điều này đã đến những lựa chọn tồi tệ.

Nhà kinh tế học Nicolas Bouzou, người sáng lập hãng tư vấn Asteres, lưu ý: "Sai lầm chính trong 10 năm qua là cú sốc thuế sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012. Chính phủ của Tổng thống Hollande đã muốn giảm thâm hụt ngân sách một cách nhanh chóng, nhất là vì lý do chính trị, bằng cách xem xét lại nhiều biện pháp, ví dụ như làm thêm giờ."

Năm 2007, ngay khi trở thành chủ nhân Điện Élysée, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy thuộc đảng cánh hữu Những người Cộng hòa đã quyết định miễn thuế cho các giờ làm thêm, cũng như miễn đóng góp vào các quỹ bảo trợ xã hội, do đó đã hoàn thành khẩu hiệu "làm việc nhiều hơn để kiếm tiền nhiều hơn."

Trong 5 năm, việc miễn thuế này đã khiến thu ngân sách nhà nước hụt 4,5 tỷ euro mỗi năm. Song biện pháp này đã mang lại lợi ích cho 9,5 triệu người lao động, với sức mua trung bình hàng năm tăng lên.

Các đảng phái cánh tả, ngược lại, đã ước tính rằng biện pháp này đã làm mất 100.000 cơ hội việc làm và không phù hợp với thời cuộc. Cựu Tổng thống Francois Hollande thuộc đảng Xã hội đã loại bỏ sự miễn thuế này ngay khi ông lên nắm quyền.

Quyết định này, kết hợp với các lần tăng thuế khác sau đó, đã góp phần làm tăng gánh nặng thuế đối với người dân. Tổng thống đương quyền Emmanuel Macron hiểu rõ điều này nên đã khôi phục lại biên pháp miễn thuế cho giờ làm thêm từ đầu năm 2019.

Tuy nhiên, sự bất mãn về đời sống ngày càng khó khăn đã lớn đến mức biện pháp trên không còn là ưu tiên trong các đòi hỏi của người Pháp hiện nay.

[Ngân hàng Trung ương Pháp bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế]

Ông Denis Ferrand, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Rexecode, chỉ ra một sai lầm chiến lược khác: chỉ thúc đẩy chính sách kinh tế bằng cách suy luận bình quân, trong khi sự khác biệt về kinh tế-xã hội và lãnh thổ rất quan trọng.

"Càng ở xa thành phố, người dân càng ít khả năng tạo thu nhập, và đó là điều mà chính sách kinh tế đã không cập nhật," ông Denis Ferrand nhấn mạnh.

Đây là một thách thức mới đối với các nhà lãnh đạo đất nước, khi phải tính đến việc điều hòa sự chênh lệch do các cú sốc kinh tế gây ra trong thập qua.

Chính lý do này đã khiến Tổng thống Emmanuel Macron quyết định vào đầu nhiệm kỳ không tiếp tục điều chỉnh trợ cấp hưu trí theo mức lạm phát nữa, do mức sống của người về hưu thông thường cao hơn người đang đi làm.

Tuy nhiên, làn sóng phản đối dâng cao trong xã hội vào đầu năm 2019 đã khiến Tổng thống thay đổi quyết định trên đối với người nghỉ hưu có trợ cấp dưới 2.000 euro/tháng.

Lỗi định hướng

Sai lầm thứ hai liên quan đến khả năng định hướng kém. Ngành công nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Pháp, khi tạo ra hơn 90% giá trị xuất khẩu, gần 80% chi phí nghiên cứu - phát triển và gần 2,7 triệu việc làm.

Vậy mà từ giữa những năm 1970, tỷ trọng ngành sản xuất trong nền kinh tế Pháp đã giảm một nửa, từ 22,3% xuống còn 11,2%. Ngày nay, các nhà kinh tế gần như nhất trí rằng nhận thức về sức cạnh tranh của Pháp là quá muộn.

Vấn đề này hầu như không được đặt ra trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy (2007-2012), do đó Pháp đã mất thị phần đáng kể trên thị trường quốc tế vào đầu những năm 2000. Trong khi đó, Đức đã thực hiện một loạt cải cách táo bạo, đặc biệt là trên thị trường việc làm.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Le Monde vào tháng 2/2013, cựu Thủ tướng François Fillon đã bày tỏ tiếc nuối do Pháp phải mất quá nhiều thời gian để thực hiện các biện pháp triệt để về khả năng cạnh tranh.

Theo ông Alexandre Mirlicourtois, nhà kinh tế trưởng tại Xerfi, các chính sách kinh tế đã xem nhẹ hoặc bỏ qua hệ thống sản xuất. Với khoảng cách 15 năm muộn hơn so với các quốc gia phát triển khác, Pháp chỉ bắt đầu chú trọng hiện đại hóa bộ máy sản xuất và nâng cao tỷ lệ sử dụng lao động vào năm 2015.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn không có công cụ thực sự nào cho vấn đề sản xuất của Pháp, có thể đầu tư và đổi mới để bù đắp cho sự mất mát trước đó, ông Alexandre Mirlicourtois nhấn mạnh.

Ngược lại, chính sách miễn trừ đóng góp an sinh xã hội đối với những người có mức lương thấp tiếp tục làm suy yếu vị trí và năng lực sản xuất của Pháp, chỉ để cuối cùng phục vụ tăng lương cơ bản. Sự chẩn đoán sai lầm về hệ thống sản xuất của Pháp đã dẫn đến một "sự thiếu vắng cấu trúc về tầm nhìn, tham vọng và chuyển đổi trong vấn đề ngoại thương," theo ông Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng của Allianz.

Lỗi thời gian

Sai lầm thứ ba liên quan đến việc tính toán và phối hợp thời gian. Việc quản lý tài chính công có nhiều vấn đề tồn đọng. Trong thập kỷ qua, các đời lãnh đạo có xu hướng mở rộng chi tiêu ngân sách khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp và thu hẹp khi hoạt động kinh tế bị chững lại. Một sai lầm chiến lược trong năm 2012, cụ thể là áp lực mạnh mẽ đối với tài chính công do cú sốc thuế gây ra, cũng bị coi là một lỗi thời gian vì diễn ra vào thời điểm tồi tệ nhất trong chu kỳ kinh tế châu Âu.

Từ giữa năm 2012 đến cuối 2014, việc phục hồi ngân sách công chủ yếu do tăng thuế doanh nghiệp, thuế tài sản và thu nhập vốn hộ gia đình. "Điều đó hoàn toàn không phù hợp," ông Denis Ferrand nhấn mạnh.

Khu vực đồng euro khi đó trải qua vấn đề liên quan đến sự tồn tại và người ta đã cho rằng cần phải thực hiện nhiều điều chỉnh ngân sách để thuyết phục các đối tác. Thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính, thâm hụt ngân sách lên tới 7,7% GDP vào năm 2010 đã giảm xuống còn 4,3% năm 2013 và 3,5% năm 2015. Điều này ảnh hưởng đến mức tăng GDP trong nhiều năm và làm thay đổi sự tăng trưởng của Pháp so với chu kỳ thế giới.

Kết quả là tăng trưởng của Pháp rất khó khăn mới vượt hơn 1% trong năm 2014, 2015 và 2016. Sự thay đổi gần đây nhất bắt đầu từ nhiệm kỳ của Tổng thống Emmanuel Macron.

Vào tháng 5/2017, ông Macron thừa hưởng sự tăng trưởng kinh tế vào cuối nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Hollande. GDP của Pháp tăng từ 2,5% đến 3%/năm, theo đà phục hồi chung của châu Âu. Vậy mà chưa đầy một năm sau, tăng trưởng của khu vực đồng euro trở lại mức 1,7%.

Tuy nhiên, ở Pháp, không chỉ là giảm tốc mà là một sự chững lại thực sự. Sự trật bánh có nguyên nhân từ việc thực thi các biện pháp cải cách, nhất là về thuế tiêu dùng và năng lượng.

Thời điểm tồi tệ này đến đúng lúc tăng trưởng kinh tế suy thoái, giá xăng dầu tăng cao khiến sức mua giảm, phá vỡ đà tiêu thụ. Kết cục đã được toàn thế giới biết đến, thông qua phong trào "Áo vàng" lan rộng trên khắp nước Pháp.

Đến nay, mọi thứ đã được cải thiện đôi chút, khi nền kinh tế Pháp hoạt động tốt hơn từ vài tháng nay. Những biện pháp cải cách bắt đầu đơm hoa kết trái. Nếu không có gì bất thường xảy ra, GDP của Pháp dự kiến sẽ tăng 1,3% trong năm nay.

Theo các nhà phân tích, mức chi tiêu công cao và tỷ trọng xuất khẩu thấp góp phần bảo vệ Pháp trong thời điểm khó đoán định của tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục