Pháp-Nga tranh cãi về thỏa thuận tái chế urani

Các bên hữu quan tại Pháp và Nga đã lên tiếng bảo vệ một thỏa thuận giữa hai nước cho phép Pháp đưa urani đã sử dụng đến Nga để tái chế.
Ngày 13/10, các bên hữu quan tại Pháp và Nga đã lên tiếng bảo vệ một thỏa thuận giữa hai nước cho phép Pháp đưa urani đã sử dụng đến Nga để tái chế.

Động thái trên diễn ra sau khi báo "Giải phóng" của Pháp và kênh truyền hình Arte do Pháp và Đức phối hợp vận hành đưa tin phần lớn trong số chất thải hạt nhân mà Pháp đưa sang Nga để tái chế hiện đang được cất giữ trong điều kiện thiếu an toàn tại vùng Siberi của Nga.

Một nữ phát ngôn viên công ty cung ứng điện EDF, do Nhà nước Pháp nắm cổ phần đa số, khẳng định urani đã qua sử dụng tại các nhà máy điện hạt nhân của công ty được đưa sang Nga tái chế để sử dụng lại, chứ không phải chất thải hạt nhân.

Bà cho biết Pháp không có công nghệ làm giàu lại urani đã qua sử dụng, và xác nhận mức độ phóng xạ từ số nhiên liệu còn được cất giữ ở Nga là thấp. Giám đốc đơn vị nhiên liệu hạt nhân thuộc EDF Sylvain Granger cũng đưa ra những lời giải thích tương tự.

Ông Christian Bataille, một nghị sĩ lâu năm đồng thời là người soạn thảo Đạo luật về chất thải hạt nhân của Pháp năm 1991, cho biết thỏa thuận tái chế nhiên liệu hạt nhân giữa Pháp và Nga tồn tại từ hơn 20 năm nay, không phải là một điều bí mật, vì thế không có gì mờ ám xung quanh thỏa thuận này.

Ông cam kết sẽ tìm cách tổ chức các cuộc điều trần trước Quốc hội Pháp để làm sáng tỏ vấn đề này cho công chúng.

Người phát ngôn công ty năng lượng hạt nhân Rosatom thuộc sở hữu Nhà nước Nga Sergei Novikov cho biết Nhà máy hóa chất Siberia sở hữu công nghệ làm giàu lại urani đã qua sử dụng.

Ông khẳng định mức độ phóng xạ của số nhiên liệu đang được cất giữ ở Nga thấp hơn urani tự nhiên, đồng thời cho biết hình thức cất giữ loại nhiên liệu này trong các container là phù hợp với quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, và đã được Mỹ và một số nước châu Âu áp dụng.

Theo báo "Giải phóng" và kênh truyền hình Arte, từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Pháp đã chuyển mỗi năm khoảng 108 tấn urani đã qua sử dụng sang tổ hợp Tomsk-7 ở vùng Siberia của Nga. Chỉ một phần số nhiên liệu này được tái chế, số còn lại được cất giữ trong các container để ngoài trời.

Những phát giác chưa từng được tiết lộ này đã gây phản ứng tức giận trong các nhóm bảo vệ môi trường. Họ phản đối việc vứt rác thải hạt nhân ra nước ngoài và đòi đưa về Pháp số chất thải hạt nhân đang được cất giữ ở Nga.

Vì lợi ích sử dụng năng lượng hạt nhân, Bộ trưởng Sinh thái Pháp Chantal Jouanno yêu cầu EDF tiến hành điều tra nội bộ và thể hiện sự minh bạch trong vấn đề tái chế urani ở Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục