Phát biểu của Thủ tướng tại lễ khai mạc AMM 43

TTXVN xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43.
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43:

Thưa các vị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN,
Thưa Quý vị đại biểu,
Thưa Quý bà, Quý ông,

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi vui mừng chào đón quý vị tới tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan. Đây là một trong những sự kiện quan trọng hàng năm của ASEAN và trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh ASEAN đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đó là hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Hiệp hội đang tập trung mọi nỗ lực và nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và một số kế hoạch quan trọng khác.

Hiệp hội cũng đang nỗ lực đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, tăng cường hợp tác với các đối tác để hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN và ứng phó có hiệu quả với những thách thức toàn cầu, trên cơ sở giữ vững vai trò chủ đạo của Hiệp hội trong việc xử lý các vấn đề khu vực.

Những kết quả đạt được đến nay là rất to lớn và có ý nghĩa quan trọng.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 vừa qua đã thành công tốt đẹp, đề ra nhiều định hướng và giải pháp quan trọng cũng như tạo động lực mạnh mẽ cho việc đẩy nhanh tiến trình liên kết ASEAN, đồng thời đẩy mạnh quan hệ đối ngoại và bảo đảm vai trò trung tâm của hiệp hội trong một cấu trúc khu vực đang định hình.

Tuy nhiên, chúng ta đều nhận thức được rằng hiệp hội vẫn còn nhiều việc phải làm để hiện thực hoá mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, một Cộng đồng hài hòa về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội.

Thưa quý vị,  

Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN có vai trò cốt yếu trong tiến trình hoạt động của ASEAN, nhất là trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến chính trị-an ninh và quan hệ đối ngoại của hiệp hội. Nhân dịp hội nghị này, tôi xin trao đổi một số vấn đề mà các Bộ trưởng Ngoại giao cần quan tâm thúc đẩy.

Một là, hiện thực hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt của ASEAN hiện nay và trong những năm tiếp theo.

Chúng ta cần đề ra và thực hiện đồng bộ những giải pháp để đẩy nhanh tiến trình thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và một số chương trình quan trọng khác, trong đó có Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN mà chúng ta đang xây dựng.

Chúng ta cũng cần tiếp tục những nỗ lực đưa Hiến chương ASEAN thực sự đi vào cuộc sống, nhất là hoàn tất các văn kiện pháp lý liên quan, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của bộ máy tổ chức cũng như phương thức hoạt động của ASEAN; đề cao “văn hóa thực thi,” bảo đảm thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận đã đề ra thông qua những biện pháp đồng bộ, nhất là tăng cường công tác giám sát, sự phối hợp và điều phối hoạt động giữa các cơ quan, trong đó các Hội đồng cấp Bộ trưởng đóng vai trò quan trọng.  

Hai là, duy trì hòa bình và an ninh khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương là nguyện vọng thiết tha và quyết tâm mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN cũng như các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò là nhân tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị-an ninh, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.   

Chúng ta cần nỗ lực thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, nhất là trong 14 lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, ASEAN cần tiếp tục phát huy tác dụng và thúc đẩy thực thi có hiệu quả các công cụ và cơ chế hiện có để đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có Vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)...

Chúng ta cũng cần tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để các đối tác của ASEAN tham gia sâu rộng hơn và đóng góp xây dựng hơn vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh khu vực. Chúng ta cần đặc biệt coi trọng tiến hành các biện pháp nhằm nâng cao hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, xây dựng các chuẩn mực và quy tắc ứng xử chung trong quan hệ giữa các nước, đẩy mạnh hợp tác đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh và an toàn trên biển...

Quyết định của các vị lãnh đạo ASEAN về việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với 8 đối tác là bước phát triển mới có ý nghĩa quan trọng. Chúng ta trông đợi cơ chế này với Hội nghị đầu tiên dự kiến được tổ chức vào tháng 10/2010 tại Việt Nam sẽ tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề quốc phòng-an ninh giữa ASEAN với các đối tác, qua đó hỗ trợ tích cực cho nỗ lực xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN và hòa bình, ổn định ở khu vực.

Ba là, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN luôn là chủ trương nhất quán của chúng ta, kể cả trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy để nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác với các đối tác thông qua khuôn khổ ASEAN+1, trên cơ sở các chiến lược và kế hoạch cụ thể.

Chúng ta cũng cần chủ động đề xuất và tiến hành các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các khuôn khổ hợp tác khu vực rộng lớn hơn do ASEAN giữ vai trò chủ đạo như ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Nguyên tắc chỉ đạo cho toàn bộ hoạt động này là phải nhằm hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN và bảo đảm vai trò trung tâm của hiệp hội.

Tại Cấp cao ASEAN 16, các vị lãnh đạo đã quyết định một số định hướng quan trọng, nhất là về tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng và bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình. Các vị bộ trưởng có nhiệm vụ đề ra các biện pháp và cách thức phù hợp để triển khai các quyết định của các vị Lãnh đạo và trình khuyến nghị cần thiết lên Hội nghị Cấp cao ASEAN-17.

Bốn là, ASEAN cần thể hiện vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện nay, nhất là khủng hoảng tài chính-kinh tế; biến đổi khí hậu, kể cả nước biển dâng; thiên tai, dịch bệnh; tài nguyên cạn kiệt. Theo đó, ASEAN cần tiến hành những biện pháp cụ thể nhằm gia tăng hợp tác nội khối, đồng thời thúc đẩy hợp tác với khuôn khổ khu vực rộng lớn hơn và đóng góp tích cực cho những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Tôi mong rằng các vị Bộ trưởng Ngoại giao tăng cường trao đổi với các bộ trưởng chuyên ngành và với các đối tác liên quan để thúc đẩy hợp tác thực chất và có hiệu quả trong các lĩnh vực này.  

Năm là, tăng cường đoàn kết và thống nhất, phát huy những giá trị truyền thống, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội và “phương thức ASEAN” tiếp tục là những nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho thành công của ASEAN trong giai đoạn mới.

Chúng ta triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN trong bối cảnh đan xen giữa thuận lợi và khó khăn, với những thành công và hạn chế của bản thân ASEAN cũng như những thách thức và cơ hội cho ASEAN trước những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tăng cường và phát huy các nhân tố quan trọng nói trên, tôn trọng và xem xét thích đáng lợi ích cơ bản của mỗi nước thành viên, qua đó không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của sự “thống nhất trong đa dạng” của ASEAN.

Thưa quý vị,

Hội nghị này diễn ra trùng với dịp kỷ niệm 15 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Trong suốt chặng đường gắn bó chặt chẽ với ASEAN, Việt Nam đã hội nhập nhanh chóng và đóng góp tích cực cho sự trưởng thành của Hiệp hội. Chúng tôi rất vui mừng và tự hào đã góp sức cùng các nước thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng những nền tảng quan trọng và vững chắc cho mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.  

Chúng tôi luôn xác định Việt Nam là một bộ phận không tách rời của gia đình ASEAN và chủ trương tham gia hợp tác ASEAN với phương châm “chủ động, tích cực, và có trách nhiệm,” góp phần xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ, vững mạnh và là hạt nhân trong cấu trúc mới đang định hình ở khu vực. 

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010, chúng tôi đã và đang nỗ lực hết mình, hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên để đạt được những kết quả cụ thể trong nỗ lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Thưa quý vị,

Tôi tin tưởng rằng, tại Hội nghị lần này, các vị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và các nước đối tác sẽ có những cuộc thảo luận bổ ích và xây dựng, đề xuất được những biện pháp và phương cách phù hợp để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là xử lý các vấn đề liên quan đến chính trị-an ninh cũng như ứng phó với những thách thức đang nổi lên đối với khu vực và quốc tế.    

Xin chúc hội nghị thành công.

Xin cám ơn tất cả quý vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục