Phát biểu gây sốc của thẩm phán Ấn Độ về tội hiếp dâm gây phẫn nộ

Một thẩm phán Ấn Độ đã bất ngờ ra lệnh thả một kẻ phạm tội hiếp dâm để hắn có thể tham gia hòa giải với nạn nhân, với hy vọng rằng nạn nhân có thể bỏ qua và hai người có thể kết hôn với nhau.
Phát biểu gây sốc của thẩm phán Ấn Độ về tội hiếp dâm gây phẫn nộ ảnh 1Người dân Ấn Độ thắp nến cầu nguyện cho một nạn nhân bị hiếp dâm ở Ấn Độ. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Một thẩm phán Ấn Độ đã bất ngờ ra lệnh thả một kẻ phạm tội hiếp dâm để hắn có thể tham gia hòa giải với nạn nhân, với hy vọng rằng nạn nhân có thể bỏ qua và hai người có thể kết hôn với nhau. Phán quyết này đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Thẩm phán nói trên không những bị chỉ trích vì lý luận suy đồi của mình, mà còn vì sử dụng sai mục đích hệ thống hòa giải của tòa án Ấn Độ, vốn chỉ dành cho những vụ ly hôn dân sự chứ không dành cho những vụ án bạo lực hình sự.

Tại Ấn Độ, nơi tình trạng cưỡng bức đang ngày một gia tăng và bạo lực với phụ nữ vẫn đang là một chủ đề nóng đối với công chúng, các chính trị gia và cảnh sát thường xuyên bị đưa lên những chương trình tin tức thời sự vì những câu nói gây phản cảm về vấn đề bạo lực tình dục, trong đó có đổ lỗi cho nạn nhân - vì mặc trang phục quá khêu gợi, tán tỉnh qua điện thoại, hay ra đường quá muộn vào ban đêm. “Đàn ông mà. Lầm lỗi lúc nào chẳng xảy ra,” một chính trị gia Ấn Độ nói.

Nhưng các thẩm phán Ấn Độ cũng chẳng kém cạnh gì trong việc đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi. Dưới đây là những ví dụ điển hình:

1. Một thẩm phán ở Delhi đã phát biểu rằng hiện đang có một “xu hướng rất đáng lo ngại” trong đó phụ nữ đồng ý quan hệ tình dục rồi sau đó lại tố cáo tội hiếp dâm.

Thẩm phán Virender Bhat đã phát biểu trong một phiên tòa vào năm 2013 như sau: “Những cô gái trong những vụ án như thế này chủ yếu nằm trong nhóm tuổi 19-24, do đó đủ trưởng thành để nhận thức được hệ quả của hành động của mình,” thẩm phán này viết trong vụ án xử Sushil Kumar.

“Họ tự nguyện bỏ trốn cùng với người tình để khám phá những khoái cảm xác thịt, và khi trở về nhà, họ bịa ra câu chuyện bắt cóc và hãm hiếp để không bị cha mẹ trách mắng hay trừng phạt. Những vụ việc như vậy sẽ khiến tội hiếp dâm bị coi nhẹ và giảm tính nghiêm trọng.”

Tòa án cấp cao sau đó đã khiển trách Bhat vì những ý kiến “thiếu tế nhị” và đề nghị thẩm phán này trải qua khóa đào tạo thái độ tế nhị về giới tính.

2. Bhat cũng đã phát biểu rằng phụ nữ quan hệ tình dục trước hôn nhân là “vô đạo đức.” Ngay sau khi bị tòa án cấp cao chỉ trích, Bhat đã đưa ra phán quyết trong vụ án xử Ashish Kumar tội hiếp dâm, trong đó nạn nhân cho biết cô đã bị lừa quan hệ tình dục sau đó bị bỏ mặc ở thánh đường: “Khi một phụ nữ trưởng thành, được giáo dục và đang lao động quan hệ tình dục với một người bạn hoặc đồng nghiệp vì lời hứa của người đó rằng sẽ lấy cô ấy, cô sẽ phải tự chịu trách nhiệm... Cô ấy phải hiểu rằng cô ấy đang thực hiện một việc không chỉ vô đạo đức mà còn đi ngược lại giáo lý của mọi tôn giáo. Không có tôn giáo nào trên thế giới cho phép quan hệ tình dục trước hôn nhân cả.”

3. Một thẩm phán đã nghỉ hưu ở bang Kerala đã phát biểu rằng mại dâm trẻ em “không phải là hiếp dâm.” Trường hợp này đã gây sóng gió trong dư luận vào năm 2013 khi ông này nói với một nhà báo rằng ông đã bác bỏ vụ án 35 người đàn ông hiếp dâm tập thể một lao động tình dục trẻ em vào những năm 1990 cũng theo lý luận như trên. Sau đó, thẩm phán này cho biết ông đã bị quay trộm bằng một camera ẩn.

4. Kẻ hiếp dâm một bé gái 14 tuổi đã được tuyên bố trắng án vì nạn nhân không chống trả lại “như một con thú hoang” trong khi bị tấn công.

Tòa án Tối cao sau đó đã bác bỏ kháng cáo lần 2 của vụ án này vào năm 2013, thể hiện nỗi “đau lòng” khi công tố và tòa án Madhya Pradesh đã không tỏ ra cẩn trọng và tế nhị “với những dữ kiện và hoàn cảnh của vụ việc này.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục