Phát động hiến tặng mô, tạng: "Điều khó nhất là cản trở về văn hóa"

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết về kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có thể ghép tạng thành công nhưng nguồn tạng để ghép còn ít do chưa có văn hóa tặng đi thân thể người thân của mình.
Phát động hiến tặng mô, tạng: "Điều khó nhất là cản trở về văn hóa" ảnh 1Bộ trưởng Bộ Y tế đã đăng ký hiến tạng từ năm 2013. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tối 26/10, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Đây là một trong những hoạt động rất có ý nghĩa, khi mà ở Việt Nam còn hàng chục nghìn người đang hàng giờ chiến đấu giành giật sự sống với căn bệnh suy tạng trong khi số người hiến tạng rất ít ỏi.

Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao đổi với báo giới về vấn đề này.

- Xin Bộ trưởng cho biết nhu cầu ghép tạng hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay nhu cầu ghép tạng ở các bệnh nhân suy tạng, mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh thận, ung thư… là rất lớn. Việt Nam có hàng chục nghìn người có nhu cầu ghép tạng và chỉ có kỹ thuật đó may ra mới cứu sống được người bệnh.

Việc cho tạng sẽ dẫn đến 3 người hạnh phúc: Người chết cứu được người bệnh; người nhà thay vì tạng phân hủy thì vẫn còn trong người được cứu sống; người được ghép sẽ trở lại với cuộc sống…

- Ở Việt Nam, người dân vẫn chưa quen với việc hiến tạng, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Về vấn đề kỹ thuật, Việt Nam đã làm được nhưng cái khó là nguồn tạng. Nhiều người tử vong do tai nạn giao thông nhưng người nhà không hiến…

Vừa qua, tại các bệnh viện có hàng chục người chết não. Nếu như người ta tham gia hiến tạng thì ngành y tế sẽ lấy tạng đó sau khi chọn lọc và ghép cho những người đang chờ như ghép tim, thận, giác mạc… Nhưng vấn đề là người nhà không cho bởi chưa có văn hóa tặng đi thân thể người thân của mình.

Nhiều người theo đạo nghĩ rằng việc cho tạng là không được. Thế nhưng, các hòa thượng, linh mục đều khuyến khích cho tạng, làm nghĩa cử cứu người trước khi đi về cõi vĩnh hằng… Theo Đại biểu Thích Thanh Quyết, trong các điều phật dạy, làm việc này sẽ mau được siêu thoát.

Với sự vận động của báo chí, mặt trận đoàn thể, sự hưởng ứng của người dân, các chức sắc tôn giáo tăng cường vận động, chúng tôi hy vọng việc hiến tạng sẽ tăng lên.

- Được biết, Bộ trưởng cũng đã đăng ký hiến tạng của mình từ năm 2013…?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây không phải là chuyện quản lý nhà nước. Nếu là người dân, tôi cũng làm như vậy. Còn ở cương vị quản lý thì càng phải thúc đẩy nhanh để có nguồn tạng.

- Theo Bộ trưởng, để cuộc vận động động hiến tặng mô tạng đi vào thực tế, cần phải triển khai như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hội vận động này rất lớn, có người làm Mặt trận Tổ quốc, công tác nhà nước, thầy thuốc, hoà thượng, các bậc chức sắc tôn giáo, linh mục trên khắp cả nước… Điểm tiếp cận đăng ký hiến tạng ở cả 3 miền, ở các cơ sở ghép tạng. Đây sẽ là một phong trào rộng khắp, cái chính là cản trở văn hóa…/.

Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), số liệu thống kê đến hết tháng 9/2015 cho thấy số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới dừng lại ở các con số khiêm tốn. Cụ thể, ghép thận 1.116 ca, ghép gan 48 ca, ghép tim 13 ca, ghép thận-tụy 1 ca, ghép giác mạc riêng Bệnh viện Mắt Trung ương từ năm 2005 đến nay đã ghép được 1.401 ca.

Hiện, cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép. Tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc; trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục