Phật giáo đóng góp tích cực vào công tác phòng chống HIV/AIDS

Việc Giáo hội Phật giáo các cấp tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng của đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.
Phật giáo đóng góp tích cực vào công tác phòng chống HIV/AIDS ảnh 1Cơ sở từ thiện xã hội Phật giáo chùa Kỳ Quang 2, TP.Hồ Chí Minh, nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi, trong đó có nhiều trẻ nhiễm HIV/AIDS. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Ngày 21/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá hiệu quả thực hiện Tiểu dự án “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại các chùa mô hình điểm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình được triển khai từ năm 2002, với mục tiêu giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống chung với HIV, đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường chăm sóc và hỗ trợ tại cộng đồng cho trẻ em và các gia đình có người bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV; giảm khả năng bị tổn thương do HIV cho thanh thiếu niên, gia đình và cộng đồng…

Dự án được xây dựng điểm tại các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Trà Vinh…

Trưởng Ban Tôn giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, qua gần 14 năm triển khai, các chùa mô hình điểm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động sự tiếp cận của hàng nghìn người bao gồm người nhiễm HIV, gia đình và đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS, tới các dịch vụ dựa vào cộng đồng và nhà chùa trong công tác phòng ngừa HIV.

Các chùa đã tích cực tham gia công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS như gắn các buổi thuyết pháp với việc tuyên truyền hiểu biết về HIV/AIDS và cách phòng tránh cho người nhiễm và người dân cộng đồng; tổ chức các hoạt động truyền thông ngay tại chùa và cộng đồng nhân các ngày lễ trọng của Phật giáo.

Hoạt động của dự án tại các chùa góp phần nâng cao nhận thức của các vị chức sắc, các vị tăng ni, cán bộ chính quyền, mặt trận đoàn thể ở các địa phương về HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, các chùa điểm như Pháp Vân, Bồ Đề (Hà Nội) và Kỳ Quang II, Diệu Giác, Linh Sơn, Quang Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã huy động và hình thành mạng lưới tình nguyện viên ở cộng đồng để hỗ trợ người nhiễm HIV và ảnh hưởng HIV/AIDS, với thành phần chủ yếu là những tăng ni, sinh viên tình nguyện, người dân ở cộng đồng và người có HIV; hình thành các nhóm "Tự lực" hay "Bạn giúp Bạn" dành cho người nhiễm HIV; giới thiệu việc làm, tạo thu nhập cho người nhiễm HIV…

Theo bà Lê Hồng Loan, Đại diện UNICEF tại Việt Nam, trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế, việc Giáo hội Phật giáo các cấp tham gia trong công tác phòng, chống HIV/AIDS có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng của đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.

Việc lồng ghép, đưa nội dung phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình Phật sự hằng năm của Giáo hội là một sự thành công lớn tại Việt Nam. Đây là điều mà nhiều nước không đạt được.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận các nội dung đánh giá hiệu quả của dự án; các phương án vận động, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động trong dự án để duy trì và nâng cao tính bền vững của các mô hình điểm; đề xuất tăng cường, nhân rộng chương trình để ngày càng mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục