Phát hành mẫu tem tôn vinh giáo sư Trần Văn Giàu

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư Trần Văn Giàu, Bộ Thông tin-Truyền thông đã phát hành mẫu tem đặc biệt, khuôn khổ 43x32 mm.
Ngày 6/9, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An phối hợp cùng Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam long trọng tổ chức lễ phát hành mẫu tem nhân kỷ niệm 100 năm sinh giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2011).

Mẫu tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh của giáo sư Trần Văn Giàu được thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa đặc trưng với màu sắc rực rỡ, tươi sáng.

Nổi bật ở trung tâm mẫu tem là chân dung giáo sư Trần Văn Giàu với nét mặt kiên định, sắc sảo nhưng cũng rất đỗi đôn hậu, bao dung. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay phía trên thể hiện lý tưởng, hoài bão cách mạng của giáo sư. Phía dưới là hình ảnh ngôi nhà mộc mạc - trụ sở của Xứ ủy Nam kỳ - nơi gắn liền với tên tuổi của nhà cách mạng Trần Văn Giàu.

Trên mẫu tem cũng thể hiện Huân chương Hồ Chí Minh – Huân chương cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho giáo sư.

Việc phát hành bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh của giáo sư Trần Văn Giàu là sự tôn vinh những công lao của giáo sư và cũng là sự tri ân của thế hệ ngày nay đối với bậc tiền nhân, niềm tự hào của quê hương Long An, của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và là niềm vinh dự của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu là một nhà cách mạng tiêu biểu, một học giả lớn và là một nhân cách lớn. Ông là sự hòa quyện nhuần nhuyễn của một chiến sỹ yêu nước, nhà cách mạng, với nhà giáo mẫu mực và nhà học giả uyên thâm.

Giáo sư Trần Văn Giàu có sự đóng góp to lớn vào công tác vận động quần chúng, xây dựng tổ chức Đảng, là người trực tiếp lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn và Nam kỳ, chỉ huy quân dân Nam bộ anh dũng chống lại cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp.

Ngoài ra, giáo sư Trần Văn Giàu đã góp công xây dựng nền móng cho nền giáo dục Đại học Việt Nam mới; trực tiếp tham gia giảng dạy từ Trường dự bị Đại học, Trường Sư phạm cao cấp ở vùng tự do Liên khu 4 tới Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Ông đã trực tiếp hoặc gián tiếp đào tạo nhiều học giả xuất sắc cho nền sử học Việt Nam. Ông cũng là nhà khoa học với hàng chục công trình khảo cứu đồ sộ./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục