Phát hành trái phiếu: Lối thoát giảm lệ thuộc NH

Trong bối cảnh huy động vốn từ các ngân hàng gặp khó khăn do lãi suất cao, phát hành trái phiếu là kênh được nhiều doanh nghiệp lựa chọn vì có thể sử dụng nguồn vốn linh hoạt và dài hạn, lại không phải chịu áp lực trả nợ theo định kỳ như vay vốn ngân hàng.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, quy mô thị trường này hiện mới chiếm  tỷ lệ rất nhỏ trong GDP, khoảng 15-16%, và thấp hơn so với các quốc gia khác. Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư cho nền kinh tế trong các năm tới cần được duy trì ít nhất tương đương khoảng 40% GDP.
Hiện nay, trong bối cảnh huy động vốn từ các ngân hàng thương mại gặp khó khăn do lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến kênh huy động qua phát hành trái phiếu.

Phóng viên Vietnam+ đã trao đổi với ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VMBA), Giám đốc Ban vốn và Kinh doanh vốn của BIDV xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết tình hình phát hành trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước cho tới năm 2000, các giao dịch phát hành trái phiếu của doanh nghiệp chỉ được thực hiện một các thưa thớt với quy mô nhỏ như trái phiếu của BIDV, Xi măng Hoàng Thạch, Công ty Cơ Điện lạnh REE, Petrolimex…

Từ sau thành công của đợt phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế cuối năm 2005 và việc ban hành Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2006, thị trường trái phiếu trong nước cũng đã có những chuyển biến tích cực. Và đến nay, khối lượng và quy mô phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể.

Cụ thể, năm 2009, có 39 giao dịch phát hành trái phiếu với tổng vốn huy động gần 30.000 tỷ đồng; năm 2010 có 45 giao dịch phát hành với tổng khối lượng vốn huy động đạt gần 45.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong GDP (khoảng 15-16% GDP) và thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Ví dụ như Nhật Bản giá trị thị trường trái phiếu bằng gần 200% GDP, trong khi tại Trung Quốc và Malaysia tỷ lệ này lần lượt là 48% và 100%.

Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư cho nền kinh tế trong các năm tới cần được duy trì ít nhất tương đương khoảng 40% GDP. Như vậy, xét về nhu cầu vốn cho nền kinh tế cũng như xu hướng, thị trường trái phiếu Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.

Vậy, thưa ông, cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và huy động nguồn vốn từ phát hành trái phiếu?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả trên thị trường thời gian qua như HUD, Vinaconex, Sông Đà, Vincom… đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này chứng tỏ nhu cầu nắm giữ các loại trái phiếu có chất lượng của nhà đầu tư là rất lớn.

Bên cạnh đó, các trung gian tài chính (ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán) ngày càng phát triển về số lượng cũng như chất lượng dịch vụ cung ứng, qua đó đã giúp doanh nghiệp tối thiểu hóa chi phí huy động vốn và tạo thêm kênh phân phối hiệu quả trái phiếu doanh nghiệp đến các nhà đầu tư .

BIDV trong những năm vừa qua luôn là ngân hàng trong nước tiên phong trên thị trường trái phiếu, cung cấp đầy đủ các dịch vụ về phát hành trái phiếu chuyên nghiệp cho doanh nghiệp như: tư vấn thu xếp phát hành, bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán, đại lý đăng ký lưu ký và thanh toán…

Ngoài ra, sự tham gia tích cực của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, các công ty tư vấn luật, kiểm toán và công ty định hạng tín nhiệm quốc tế… đang góp phần vào sự phát triển đúng hướng của thị trường, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường trái phiếu một cách hiệu quả.

Lợi thế của kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp là gì thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả. Thông qua phát hành trái phiếu, doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn vốn linh hoạt và dài hạn với kỳ hạn có thể lên tới 5 năm, 10 năm hoặc dài hơn. Khoản tiền gốc của trái phiếu thường được thanh toán một lần vào cuối kỳ nên doanh nghiệp không chịu áp lực trả nợ theo định kỳ như vay vốn ngân hàng.

Lãi suất trái phiếu được hình thành trên cơ sở quan hệ cung - cầu giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên thị trường nên nhìn chung sẽ được xác định ở mức hợp lý. Hơn nữa, tiền trả lãi trái phiếu được tính vào chi phí hoạt động kinh doanh nên doanh nghiệp huy động vốn bằng trái phiếu sẽ có lợi hơn so với phát hành cổ phiếu.

Ngoài ra, phát hành trái phiếu không chỉ đơn thuần giúp doanh nghiệp huy động được vốn mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nhiều nhà đầu tư thị trường vốn, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng hay phát hành cổ phiếu.

Thị trường trái phiếu là thị trường của những nhà đầu tư chuyên nghiệp là các định chế tài chính lớn. Do đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, giúp quảng bá tên tuổi và uy tín của doanh nghiệp rộng rãi trên thị trường. Từ đó, sẽ tạo nền tảng quan trọng cho các đợt huy động vốn sau này của doanh nghiệp cũng như góp phần nâng cao tính thanh khoản của trái phiếu trên thị trường thứ cấp.

Cùng với sự phát triển của thị trường trái phiếu, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có quyền hy vọng vào một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả, giảm sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng để từ đó sẽ chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục