Phát hiện di tích khảo cổ học tại Tuyên Quang

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích cư trú thuộc nhiều giai đoạn của người tiền sử tại hang Phia Mồn thuộc tỉnh Tuyên Quang.
Các nhà khảo cổ thuộc Bảo tàng Tuyên Quang và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy dấu tích cư trú thuộc nhiều giai đoạn của người tiền sử tại hang Phia Mồn thuộc địa phận thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Nà Hang.

Ông Quan Văn Dũng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cho biết các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hàng trăm công cụ của người tiền sử thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, với tàng tích thức ăn của họ. Tầng văn hóa của di tích hiện còn dày từ 50-60cm gồm 2 lớp sớm muộn, nằm chồng trực tiếp lên nhau, không có lớp giãn cách.

Lớp văn hóa sớm nằm ở phía dưới, tầng văn hóa không đồng đều từ 20-35cm chứa xương răng động vật là những loại thú nhỏ cùng vỏ ốc núi và di vật đá. Bộ công cụ lao động lớp sớm mang đặc trưng của kỹ thuật văn hóa Hòa Bình, tiêu biểu là những công cụ hình rìu ngắn, hình bầu dục được chế tác từ đá cuội sông, suối với kỹ thuật ghè đẽo khá thuần thục.

Theo nghiên cứu ban đầu, lớp văn hóa sớm thuộc văn hóa Hòa Bình muộn, có niên đại cách đây khoảng từ 6.000-7.000 năm.

Lớp văn hóa muộn có độ dày không đều từ 15-35cm chứa nhiều tàn tích thức ăn của người tiền sử gồm xương răng động vật, vỏ ốc suối, trai, hến, dấu tích than tro, đồ gốm, cùng những chiếc rìu đá đã được mài nhẵn.

Loại hình công cụ lao động là những chiếc rìu đá có vai, rìu hình tứ giác, những con dao đã được mài nhẵn toàn thân, những mảnh gốm được phát hiện trong lớp này khá dày, thô, nặn bằng tay, trang trí hoa văn thừng.

Dựa vào kết quả nghiên cứu trầm tích văn hóa và di vật khảo cổ đặc biệt là đồ đá và đồ gốm, các nhà khảo cổ bước đầu cho rằng lớp văn hóa muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới có niên đại cách ngày nay khoảng gần 4.000 năm. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn phát hiện được một số di cốt cổ thuộc hậu kỳ đá mới.

Cũng theo ông Dũng, những di tích kiểu hang Phia Mồn còn có thể được tìm thấy trong vùng ngập nước của hồ thủy điện Tuyên Quang. Do vậy, các ban ngành chức năng cần phải có kế hoạch khảo sát, khai quật khảo cổ học nhằm cứu vãn những di tích, di sản này trước khi bị ngập vĩnh viễn trong lòng hồ thủy điện.

Bảo tàng tỉnh và các nhà khảo cổ học đang tiếp tục nghiên cứu, lập phương án khai quật để làm rõ thêm giá trị khoa học, lịch sử-văn hóa của địa danh này./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục