Phát hiện gen đặc trưng giúp gấu Bắc Cực không bị béo phì

Bí mật về việc gấu Bắc Cực hầu như chỉ ăn các loại thực phẩm có độ béo cao song không hề mắc các chứng bệnh liên quan đến béo phì như con người đã được giải mã.
Phát hiện gen đặc trưng giúp gấu Bắc Cực không bị béo phì ảnh 1(Nguồn: vertebratejournal.org)
Bí mật về việc gấu Bắc Cực hầu như chỉ ăn các loại thực phẩm có độ béo cao song không hề mắc các chứng bệnh liên quan đến béo phì như con người đã được giải mã khi mới đây nhóm các nhà khoa học Đan Mạch, Mỹ và Trung Quốc công bố kết quả công trình so sánh gen giữa gấu Bắc Cực với gấu nâu.
Gấu Bắc Cực hầu như chỉ ăn hải cẩu, một loại động vật biển có nhiều mỡ, và nuôi con bằng một loại sữa trong đó gần 1/3 dưỡng chất là chất béo.
Hơn một nửa trọng lượng của gấu Bắc Cực là do mỡ, nhiều hơn cả bắp thịt và xương cộng lại. Đời sống của loài gấu này gắn liền vói chất béo.
Đối với chúng, béo phì là trạng thái dễ chịu nhất. Trong khi đó, trong cơ thể con người, lượng mỡ chỉ chiếm từ 8 đến 35% và rất dễ bị mắc các bệnh về tim mạch khi cơ thể béo phì.
Sự khác biệt này đã thôi thúc các nhà khoa học nghiên cứu để tìm hiểu cách thức gấu Bắc cực Có thể chung sống thoải mái với một cơ thể béo phì.
Trong công trình khoa học đăng trên tạp chí Cell số ra ngày 8/5, các nhà khoa học đã chỉ ra những tiến hóa đặc trưng ở loài gấu Bắc Cực, đặc biệt là đối với những gen có nhiệm vụ chuyển hóa chất béo và vận chuyển chất béo trong máu, đã giúp chúng sống sót với thực đơn phá vỡ mọi tiêu chuẩn của các chế độ ăn kiêng giảm béo.
Nghiên cứu so sánh các mẫu máu và mô lấy từ 79 con gấu Bắc Cực ở vùng Greenland và 10 con gấu nâu ở Thụy Điển, Phần Lan, Công viên quốc gia Glacier ở Alaska..., các nhà khoa học phát hiện một trong những gen được chọn lọc mạnh nhất là APOB, có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol từ mạch máu vào tế bào vì vậy làm giảm nguy cơ các bệnh về tim mạch.
Đây là loại gen có khả năng định vị được loại protein chính nằm trong các cholesterol "có hại", được gọi là LDL.
Thay đổi gen này đã giải đáp câu hỏi bằng cách nào gấu Bắc Cực có thể sống tốt với tình trạng đường máu và chất béo triglycerides cao ở mức mà đối với con người sẽ gây tác hại đến sức khỏe.
Các nhà khoa học còn hy vọng sẽ sớm tìm ra những bí mật tiêu hóa của gấu Bắc Cực, có thể giúp cải thiện sức khỏe của con người khi bước vào độ tuổi lượng đường trong máu tăng cao.
Giới chuyên gia cho biết tiến hóa trên xảy ra khoảng 500.000 năm trước sau khi gấu Bắc Cực tách ra khỏi họ hàng của nó là gấu nâu.

Đây là một điều bất ngờ vì phát hiện mới đã chỉ ra lịch sử xuất hiện gấu Bắc cực trẻ hơn nhiều so với những ước tính trước đó với khoảng thời gian tách dòng giữa gấu nâu và gấu Bắc Cực diễn ra từ 600.000 đến 5 triệu năm trước.

Tuy nhiên, hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra yếu tố nào giúp cho gấu Bắc Cực tiến hóa thành một nhóm riêng biệt với gấu nâu mặc dù điều này xảy ra đồng thời với gian đoạn gian băng, giai đoạn thời tiết ấm xảy ra giữa các kỷ băng hà có thể cho phép gấu nâu di chuyển xa hơn lên phía Bắc.
Các nhà khoa học giả thuyết sau khi giai đoạn gian băng kết thúc, nhiệt độ băng giá trở lại, một nhóm gấu nâu có thể đã bị cô lập và buộc phải thích nghi với môi trường mới đầy tuyết và giá lạnh.
Lịch sử tiến hóa của gấu Bắc Cực chứng tỏ rằng một cơ thể có thể thích ứng nhanh đối với các thay đổi về môi trường.
Nhờ vào việc ngày càng có nhiều dữ liệu gen của các loài động vật được công bố, các nhà khoa học bày tỏ hy vọng sẽ phác họa được một bức tranh hoàn chỉnh hơn về cách thức mà động vật thích nghi với môi trường và cách thức hình thành sự đa dạng sinh học./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục