Phát hiện hóa thạch động vật có vú thời tiền sử

Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc đã phát hiện hóa thạch một loài động vật có vú thời tiền sử, có hình dáng giống như loài sóc chuột.
Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc đã phát hiện hóa thạch một loài động vật có vú thời tiền sử, có hình dáng giống như loài sóc chuột và chuyên ăn sâu bọ.

Loài vật này có tên là Maotherium asiaticus, xuất hiện ở Kỷ Phấn trắng cách đây 123 triệu năm, thời điểm loài khủng long đang trị vì trên Trái Đất. Maotherium rất nhỏ, chỉ dài khoảng 15cm và nặng khoảng 80 gam.

Nhà khoa học Zhe Xi Luo thuộc Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên Carnegie, Mỹ, cho biết điều khiến các nhà khoa học ngạc nhiên nhất chính là bộ phận tai của động vật này.

Loài vật này có cấu trúc tai giữa rất đặc biệt của loài động vật có xương sống. Tai của nó cũng có màng nhĩ và một hốc xương gọi là hòm tai. Trong hòm tai có các xương con nối khớp với nhau rất tinh tế (gồm xương búa, xương đe, xương bàn đạp).

Màng nhĩ và các xương con hợp thành hệ thống màng nhĩ. Xương con có tác dụng khuyếch đại và dẫn truyền những rung động của sóng âm từ môi trường (ống tai ngoài) vào tai trong.

Nhờ có đôi tai như vậy, Maotherium rất thính, cho phép loài vật này linh hoạt vào ban đêm để tránh trở thành mồi ăn của khủng long.

Các nhà khoa học cho biết việc nghiên cứu hóa thạch này sẽ giúp các chuyên gia sinh vật học hiểu rõ lý do những cấu trúc phức tạp như bộ phận tai giữa có thể xuất hiện trong quá trình tiến hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục