Phát hiện hóa thạch hai động vật biển lạ

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Zaragoza, Đông Bắc Tây Ban Nha vừa công bố tìm thấy hóa thạch của hai loài động vật biển da gai chưa từng được biết tới, có niên đại khoảng 510 triệu năm, thuộc kỷ Cambri.

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Zaragoza, Đông Bắc Tây Ban Nha vừa công bố tìm thấy hóa thạch của hai loài động vật biển da gai chưa từng được biết tới, có niên đại khoảng 510 triệu năm, thuộc kỷ Cambri.
 
Hai sinh vật da gai này (có họ hàng với loài nhím biển và sao biển hiện tại) được đặt tên là Gogia parsleyi và Gogia sp, thuộc về lớp động vật eocrinoid đã tuyệt chủng. Chúng được bảo tồn trong điều kiện rất tốt và có cấu trúc giải phẫu khá kỳ lạ so với các sinh vật trong kỷ Cambri cũng như thế giới động vật nói chung. Đây là hai động vật eocrinoid đầu tiên có trong danh mục hóa thạch.
 
Đặc điểm nổi bật của hai sinh vật này là chúng có một vòng lớn gồm nhiều vòi cử động linh hoạt nằm phía trên cơ thể, có chức năng nắm bắt các vi sinh vật và đưa vào miệng. Miệng của chúng nằm ở phía trong và phần giữa của cơ thể hình cầu. Cơ thể chúng được bao phủ bởi một lớp gai mềm có chức năng hô hấp và không có xương sống.
 
Hai loài sinh vật này thường sống tại lớp đáy biển có nhiều bùn và để không bị ngập trong bùn, chúng thường bám cố định vào các mảnh cứng của bọ ba thùy (trilobite) – một loài sinh vật biển đã tuyệt chủng có lớp xương ngoài cứng. Vùng mỏ Murero, thuộc địa phận Zaragoza, nơi các nhà khoa học tìm thấy hai sinh vật mới, cũng là nơi nổi tiếng có nhiều hóa thạch của bọ ba thùy.
 
Các nhà cổ sinh học hy vọng khám phá mới này sẽ cung cấp nhiều dữ liệu về quá trình bùng nổ đa dạng sinh học trong thời kỳ này, đồng thời khẳng định đây là hai mẫu vật “vô giá” để tái dựng lại thế giới động vật trong vùng biển cổ tại Murero./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục