Phát hiện hóa thạch khủng long mới tại Australia

Các nhà cổ sinh vật học Australia vừa công bố xương hóa thạch của ba loài khủng long mới, trong kỷ Phấn Trắng, cách đây khoảng 98 triệu năm.
Các nhà cổ sinh vật học Australia vừa công bố xương hóa thạch của ba loài khủng long mới, được khai quật tại di chỉ Winton, tiểu bang Queensland.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những con vật trên, gồm hai khủng long ăn cỏ và một khủng long ăn thịt, từng chu du trên trái đất trong kỷ Phấn Trắng, cách đây khoảng 98 triệu năm.

Phát hiện này đã đưa Australia trở lại "bản đồ khủng long" và giúp hình dung quần thể động vật của "xứ sở chuột túi" trước khi khối lục địa này tách khỏi đại lục địa Gondwana.

Theo nhà cổ sinh vật học, tiến sĩ Scott Hocknull, thuộc Viện bảo tàng Queensland, những phát hiện trước đây về loài khủng long ở Australia cung cấp quá ít bằng chứng về sự tồn tại của loài động vật lớn nhất trong lịch sử này.

Phát hiện mới nói trên cho thấy cách nhìn nhận này là hoàn toàn sai lầm. Cả ba bộ xương hóa thạch trên đều thuộc về các loài khủng long mới, đồng thời cho thấy những mối liên hệ về mặt tiến hóa với các loài khủng long sống ở Bắc bán cầu.

Hóa thạch của loài khủng long ăn thịt mới phát hiện, được đặt tên là "Banjo", là bộ xương khủng long ăn thịt hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy tại Australia. Theo Tiến sĩ Hocknull, Banjo là tiền thân của loài báo cheetah, có tổng chiều dài cơ thể khoảng 6m, rất có lợi thế trong các cuộc đua tốc độ khi săn mồi.

Hai khủng long ăn cỏ, được đặt tên là "Clancy" và "Matilda", đều thuộc họ thằn lằn Titanosaur, trong đó Clancy có hình dáng giống một con hà mã và Matilda giống một con hươu cao cổ với chiều cao 16m với chiếc cổ dài, đầu nhỏ. Bộ xương hóa thạch của Matilda và Banjo cùng được tìm thấy dưới đáy một chiếc ao cổ.

Dự báo trong vòng 20 - 30 năm tới, ngành khoa học nghiên cứu về khủng long ở Australia sẽ "khởi sắc". Theo đánh giá, tại Australia hiện còn ít nhất 50 di chỉ khảo cổ chưa được khai quật./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục