Phát hiện hóa thạch rắn khổng lồ tại Colombia

Ngày 4/2, một nhóm các nhà khoa học quốc tế thông báo đã tìm thấy tại một mỏ than lộ thiên phía Bắc Colombia hóa thạch của loài rắn được cho là lớn nhất mọi thời đại, từng sinh sống tại các vùng rừng nhiệt đới nóng ẩm Nam Mỹ sau thời đại của khủng long.

Ngày 4/2, một nhóm các nhà khoa học quốc tế thông báo đã tìm thấy tại một mỏ than lộ thiên phía Bắc Colombia hóa thạch của loài rắn được cho là lớn nhất mọi thời đại, từng sinh sống tại các vùng rừng nhiệt đới nóng ẩm Nam Mỹ sau thời đại của khủng long.
 
Con vật khổng lồ này được các nhà khoa học phát hiện ra đặt tên là "Titanboa cerrejonensis", có nghĩa là "Con trăn Nam Mỹ khổng lồ từ vùng Cerrejón", có chiều dài tối thiểu là 12,8m với trọng lượng không dưới 1,27 tấn. Đây cũng có thể là động vật có xương sống trên cạn lớn nhất hành tinh.
 
Tại cuộc khai quật, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy hóa thạch của 28 cá thể Titanboa, trong đó con lớn nhất có thể dài tới 15 m hoặc hơn. Các nhà khoa học đã phục chế được đốt sống và xương sườn của loài rắn này nhưng không thể tái tạo hình mẫu xương đầu và răng của chúng.
 
Nhà sinh vật học John Head, thuộc trường Đại học Toronto Missisauga, Canada, cho rằng rắn Titanboa ăn cá sấu, các loài cá lớn và rùa. Chúng không có nọc độc và thường kết liễu con mồi bằng cách xiết chặt thân mình giống loài trăn hiện nay.
 
Theo ông Jonathan Bloch, nhà cổ sinh học các loài động vật có xương sống ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên Florida, Mỹ, loài động vật khổng lồ mới được phát hiện sống cách đây khoảng từ 58 tới 60 triệu năm, khi thế giới động vật đang trong giai đoạn phục hồi sau thảm họa đại tuyệt chủng khi một tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất tại khu vực gần bán đảo Yucatán, Mexico, khoảng 65 triệu năm trước. Ông cho biết thêm ngày nay chỉ một số ít loài động vật có thể đạt tới chiều dài 9m. Một số loài đã từng sống trên Trái Đất khoảng 60 triệu năm về trước, tuy nhiên chúng có thể có chiều dài ít hơn một số loài ở hiện tại.
 
Trước đây, các nhà khoa học tại bang Pennsylvania, Mỹ đã tìm thấy những con rắn chỉ dài 10cm, thân mỏng như sợi mì ống, ẩn mình dưới một tảng đá trong rừng ở miền Đông Barbados. Loài rắn này được đặt tên là Leptotyphlops carlae, có kích thước nhỏ hơn khoảng 3.100 loài rắn đã được biết đến trước đây. So với một loài rắn nhỏ bé khác từng được phát hiện tại đảo Caribe thuộc Martinique, những con rắn này vẫn ngắn hơn khoảng 5 mm.
 
Những loài rắn đầu tiên xuất hiện cách đây khoảng 99 triệu năm. Trước Titanboa, loài rắn lớn nhất được tìm thấy là Gigantophis, có chiều dài trên 10 m và sinh sống vào khoảng 39 triệu năm trước tại Ai Cập. Hiện tại, loài rắn được cho là lớn nhất trên hành tinh là trăn gấm (Python Reticulatus), có thể đạt tới chiều dài 9m./.

(TTXVN/vietnam+)

Tin cùng chuyên mục