Phát hiện hóa thạch ruồi dơi cổ đại tại Dominica

Hóa thạch ruồi dơi được phát hiện trong một hổ phách có niên đại khoảng 20-30 triệu năm tại mỏ La Bucara thuộc rặng núi ở Dominica.
Các nhà khoa học Mỹ cho biết họ đã phát hiện hóa thạch của ruồi dơi, một loài côn trùng nhỏ sống dựa vào máu của loài dơi.

Theo những nhà khoa học này, hóa thạch ruồi dơi được phát hiện trong một hổ phách có niên đại khoảng 20-30 triệu năm tại mỏ La Bucara, nằm trong rặng núi Cordillera Septentrional của Dominica.

Đây là hóa thạch của một con ruồi dơi vô tình bị mắc kẹt trong nhựa dính của cây và tồn tại cho tới ngày nay.

Ông George Poinar, một trong những nhà khoa học cho biết, dơi là loài động vật có vú sống cách đây khoảng 50 triệu năm, chúng biết bay và xuất hiện sớm nhất trên Trái Đất. Chúng có móng vuốt và biết trèo cây. Ruồi dơi sống bám trong lông dơi. Do cấu trúc cơ thể ruồi dơi dẹp, phẳng như loài bọ chét nên cho phép  ruồi dơi  di chuyển dễ dàng giữa các sợi lông dơi.

Đây là loài đã truyền dịch bệnh sốt rét từng hoành hành cách nay 20 triệu năm./.

Lê Bàng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục