Phát hiện loài cá biển "tan chảy" khi được đưa lên mặt nước

Các nhà khoa học thuộc đại học Newcastle gần đây đã phát hiện được 3 loài cá nòng nọc mới sinh sống dưới biển sâu khắc nghiệt, nhưng sẽ "nhanh chóng tan chảy" nếu được đưa lên mặt nước.
Phát hiện loài cá biển "tan chảy" khi được đưa lên mặt nước ảnh 1Loài cá biển mới được phát hiện có thể tan chảy khi lên khỏi mặt nước. (Nguồn: odditycentral)

Các nhà khoa học thuộc đại học Newcastle gần đây đã phát hiện được 3 loài cá nòng nọc mới sinh sống dưới biển sâu khắc nghiệt, nhưng sẽ "nhanh chóng tan chảy" nếu được đưa lên mặt nước.

Loại cá mềm này lần đầu tiên được phát hiện trong một cuộc thám hiểm quốc tế nhằm khám phá vùng biển sâu ở rãnh nứt Atacama, một trong những vùng có độ sâu lớn nhất của biển Thái Bình Dương, ở gần bờ biển Peru.

Các nhà nghiên cứu đã thả các máy quay đặc biệt xuống độ sâu khoảng 7.500m, nơi nhiệt độ chỉ cao hơn mức đóng băng một chút với áp suất lớn hơn nhiều so với mức mà con người có thể chịu đựng được.

Bất chấp những điều kiện khắc nghiệt như vậy, tầng đáy ở rãnh nứt Atacama vẫn dồi dào sự sống, trong đó có ba loài cá mới, hiện được biết đến với tên gọi cá sư tử Atacama hồng, tím và xanh lam.

“Cá nòng nọc (cá thuộc họ Liparidae) có một đặc tính nào đó cho phép chúng thích nghi với việc sống ở tầng nước rất sâu. Vượt ra ngoài phạm vi của các loài cá khác, chúng không gặp phải các đối thủ cạnh tranh cũng như kẻ săn mồi. Như đoạn băng ghi lại được đã cho thấy rất rõ ràng, có rất nhiều con mồi không xương sống ở đó, và loài cá nòng nọc là kẻ săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn. Chúng dường như rất năng động và có vẻ được ăn uống đầy đủ," Thomas Linley, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Newcastle, cho biết trong một thông cáo.

Video nghiên cứu về loài cá với tên gọi cá sư tử Atacama.

Điều thực sự khiến cho các loài cá mới này trở nên đặc biệt là khả năng của chúng sống sót và phát triển trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy.

Những bộ phận cứng nhất trên cơ thể chúng là răng và những chiếc xương nhỏ nằm ở tai trong; các bộ phận còn lại là một khối mềm, dẻo, có thể chịu đựng được áp suất cực lớn ở tầng biển sâu.

Tuy nhiên, mặc dù cơ thể chúng có cấu tạo hoàn hảo cho những điều kiện này, các nhà khoa học cho biết chúng sẽ không thể chịu được môi trường trên mặt nước.

“Trong điều kiện không có áp suất cực lớn và nhiệt độ thấp để hỗ trợ cho cơ thể, chúng đặc biệt dễ bị tổn thương và nhanh chóng tan chảy khi được đưa lên mặt nước," Thomas Linley cho biết.

Các nhà khoa học thậm chí đã bắt được một mẫu vật của loài cá mới này bằng một chiếc bẫy đặc biệt, nhưng đáng tiếc thay, con cá đã không sống sót sau chuyến đi lên mặt nước. Tuy vậy, cơ thể của con cá này vẫn được giữ ở tình trạng tương đối tốt và hiện đang được nghiên cứu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục