Phát hiện mới về điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Những người điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng liệu pháp phong tỏa hormone có nguy cơ tăng cao mắc bệnh đục thủy tinh thể.
Các nhà khoa học Mỹ tại Viện nghiên cứu ung thư Karmanos ở Detroit thuộc bang Michigan vừa phát hiện ra rằng những người đàn ông lớn tuổi lựa chọn liệu pháp phong tỏa hormone để điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt có thể sẽ có nguy cơ tăng cao mắc bệnh đục thủy tinh thể.

Kết quả nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Annals of Epidemiology số ra tháng 12.

Các hormone nam testosterone có thể thúc đẩy sự phát triển của bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Liệu pháp chữa trị ngăn chặn sản xuất Androgen (ADT) ngăn chặn việc sản xuất testosterone.

Ước tính hiện nay có khoảng 1/3 những người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt sử dụng liệu pháp ADT, theo cả hai dạng hoặc là dùng thuốc như Lupron hay Zoladex hoặc là giải phẫu cắt bỏ tinh hoàn.

Trong thí nghiệm của mình, Tiến sỹ Jennifer Beebe-Dimmer và các đồng nghiệp đã nghiên cứu gần 66.000 bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt ở độ tuổi từ 66 trở lên.

Trong số này có gần một nửa sử dụng liệu pháp chữa trị ADT trong vòng sáu tháng đầu kể từ khi được chẩn đoán bệnh, chủ yếu là dưới hình thứuc sử dụng các loại thuốc thay đổi hormone.

Kết quả cho thấy có khoảng 111 ca bệnh đục thủy tinh thể mới được chẩn đoán trong số 1.000 bệnh nhân được nghiên cứu mỗi năm.

Sau khi đã tính đến các yếu tố nguy cơ khác đối với bệnh đục thủy tinh thể, các nhà khoa học nhận thấy những bệnh nhân được điều trị với các loại thuốc hormone có nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể cao hơn 9% so với những người không dùng liệu pháp ADT.

Nguy cơ này tăng lên 26% đối với một tỷ lệ nhỏ hơn những người lựa chọn giải pháp cắt bỏ tinh hoàn.

Hiện nay ở Mỹ có khoảng 20 triệu người ở độ tuổi từ 40 trở lên bị mắc bệnh đục thủy tinh thể./.

Khắc Hiếu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục