Phát hiện mới về sự tiến hóa của loài người

Hai bộ xương hóa thạch ở Nam Phi bổ sung một mắt xích còn thiếu trong quá trình tiến hóa từ người tối cổ lên người hiện đại.
Những minh chứng khoa học công bố ngày 9/4 đã bổ sung một mắt xích còn thiếu trong quá trình tiến hóa từ người tối cổ lên người hiện đại, viết thêm một chương mới trong sự tồn tại và quá trình phát triển của loài người.

Các nhà khoa học Australia đã tiến hành nghiên cứu đối với hai bộ xương hóa thạch khá hoàn chỉnh của một loài sinh vật giống người, được đặt tên khoa học là "Australopithecus sediba."

Hoa thạch được phát hiện ở trạng thái còn gần như nguyên vẹn trong một hang động ở Nam Phi năm 2008.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các hóa thạch này thuộc về một "phụ nữ trưởng thành" và một "trẻ khoảng 10 tuổi" có niên đại cách đây 1,78 đến 1,95 triệu năm.

Hóa thạch cho thấy hai sinh vật này cùng cao khoảng 1,27m và nặng khoảng 27-33kg khi qua đời, trong khi đó bộ não của chúng bằng 1/3 kích thước của não bộ loài người hiện đại.

Hai sinh vật này có cánh tay dài giống loài vượn nhưng ngắn và khỏe khoắn hơn.

Khung xương chậu của chúng đã tiến hóa hơn, răng nhỏ hơn và đôi chân phát triển dài hơn khiến chúng có thể đứng, đi thẳng và thậm chí là chạy giống như loài người hiện nay, trong khi vẫn có thể leo trèo như loài vượn.

Tiến sĩ Andy Herries, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết đây là phát hiện quan trọng nhất trong nhận thức khoa học về giai đoạn chuyển tiếp trong quá trình phát triển của người tối cổ mang hình dáng giống vượn (não bộ nhỏ) và dòng giống đầu tiên của người hiện đại (tên khoa học là "Homo habilis," có não bộ phát triển lớn hơn).

Phát hiện này được xem như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa bí mật về bước chuyển của nhân loại từ cuộc sống trên cây xuống môi trường sống dưới mặt đất.

Hóa thạch được tìm thấy trong một hang nhỏ (trước đây từng là một hầm mỏ) nằm trong khu vực Di sản nguồn gốc nhân loại thế giới, một khu vực rộng 500km vuông, cách thành phố Johannesburg (Nam Phi) 40km về phía Tây Bắc.

Đây cũng là địa điểm có nhiều hóa thạch được phát lộ liên quan đến quá trình tiến hóa của loài người nhất trên thế giới.

Trước đây, chỉ có một số ít hóa thạch của "Homo habilis" được phát lộ, trong đó đa số chỉ là vài mảnh xương vỡ.

Trong quá trình phát triển từ người tối cổ đến người hiện đại, giới khoa học từng biết đến hai hóa thạch người tối cổ nổi tiếng là "Lucy," tồn tại cách đây 3,2 triệu năm và "Ardi," có niên đại cách đây 4,4 triệu năm./.

Thanh Phương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục