Phát hiện một nguồn nước ngầm lớn ở Đồng Văn

Phát hiện một nguồn nước ngầm lớn ở Mèo Vạc

Nguồn nước ngầm vừa được phát hiện tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) sẽ góp phần "giải cơn khát" trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Theo ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang, nguồn nước ngầm với trữ lượng lớn vừa được Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc phát hiện sau khi tiến hành thi công 7 lỗ khoan tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Đây là nguồn nước có thể khai thác với quy mô tập trung, đảm bảo ổn định về chất lượng, trữ lượng, góp phần "giải cơn khát" trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Cao nguyên đá Đồng Văn được bao phủ trên một vùng đất rộng lớn gồm 4 huyện biên giới phía Bắc của Hà Giang như Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Nơi đây có độ cao trung bình từ 1.000-1.600m so với mực nước biển; tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất kéo dài bao đời nay đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con nơi đây.

Năm 2007, Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã tiến hành nghiên cứu, triển khai và đã phát hiện ra lỗ khoan MV1 ở xã Pả Vi thuộc thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc) có nguồn nước ngầm.

Từ lỗ khoan này, huyện Mèo Vạc đã tiến hành khai thác nước ngầm, đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng của bà con dân tộc trong vùng. Liên đoàn đã triển khai đề án: " Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước dưới đất khu vực thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang."

Đây là đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, phát triển kinh tế-xã hội trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Tài nguyên nước là tiền đề để giúp bà con các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên Cao nguyên ổn định đời sống, yên tâm định cư, phát triển sản xuất.

Theo tiến sỹ Tống Ngọc Thanh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc, từ năm 2009 đến nay, các chuyên gia của Liên đoàn triển khai thực hiện các hạng mục như: Thu thập tài liệu, giải đoán phân tích ảnh viễn thám để xác định đặc điểm địa chất-địa chất thủy văn; lựa chọn vùng có triển vọng chứa nước; khảo sát địa chất thủy văn để xác định các vị trí lỗ khoan có triển vọng.

Sau đó, đơn vị tiến hành khoan, hút nước thí nghiệm, lấy và phân tích mẫu để đánh giá chất lượng nước. Sau 4 năm triển khai thực hiện đề án, các chuyên gia, kỹ sư của Liên đoàn đã thi công 7 lỗ khoan; mỗi lỗ khoan có độ sâu dưới lòng đất từ 160m đến 230m, kết quả mang lại rất đang khích lệ. 5/7 lỗ khoan có nước với tổng lưu lượng khoảng 1.000 m3/ngày.

Kết quả trên khẳng định thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc) có nguồn nước ngầm với trữ lượng lớn có thể khai thác với quy mô tập trung, đảm bảo ổn định về chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng của nhân dân trong vùng. Đây là một thành công có ý nghĩa rất lớn về khoa học của tập thể tác giả kỹ thuật thuộc Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc trong công tác điều tra nước ngầm ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi đá vôi.

Tại Hội thảo quy hoạch phân bổ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang đến năm 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang vừa diễn ra tại thành phố Hà Giang, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã đánh giá cao đề án: "Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước dưới đất khu vực thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang."

Tuy nhiên, Hà Giang - tỉnh địa đầu cực Bắc của Tổ quốc hiện là tỉnh nghèo đặc biệt khó khăn, kém phát triển, nên để có kinh phí khai thác nước từ những lỗ khoan vừa điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước ở đây trở thành một hệ thống cấp nước tập trung là một điều rất khó khăn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, các nhà đầu tư ưu tiên đầu tư,­ xây dựng các công trình cấp nư­ớc cho Cao nguyên đá Đồng Văn. Với quan điểm "Doanh nghiệp phát tài - Hà Giang phát triển," Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã và đang tích cực mời gọi và cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại Cao nguyên đá Đồng Văn./.

Minh Tâm (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục