Phát hiện một tiểu hành tinh xa nhất trong Hệ Mặt Trời

Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện một vật thể giống hành tinh ở vị trí cách xa Hệ Mặt Trời nhất từng được ghi nhận song chưa thể tiến hành phân loại do chưa xác định được quỹ đạo của nó.
Phát hiện một tiểu hành tinh xa nhất trong Hệ Mặt Trời ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: earthsky.org)

Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện một vật thể giống hành tinh ở vị trí cách xa Hệ Mặt Trời nhất từng được ghi nhận.

Nhà thiên văn Scott Sheppard của Viện Khoa học Carnegie ở Washington cho biết nhóm các nhà khoa học chuyên nghiên cứu các vật thể xa Trái Đất đã phát hiện vật thể này từ vài tuần trước song chưa thể tiến hành phân loại do chưa xác định được quỹ đạo của nó.

Phân tích hệ số phản chiếu, các nhà khoa học cho rằng vật thể số hiệu V774101 này được băng bao phủ, có đường kính từ 500 đến 1.000 km, tương đương một nửa kích thước của Sao Diêm Vương.

Khoảng cách từ Trái Đất tới vật thể này là khoảng 16 tỷ km, gấp 3 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Sao Diêm Vương.

Tuy nhiên, theo ông Sheppard, sẽ phải mất cả năm trời quan sát để xác định liệu V774101 có hay không đi vào Vành đai Kuiper gồm hàng trăm nghìn vật thể nhỏ quay quanh Sao Hải Vương, hành tinh ngoài cùng của Hệ Mặt Trời.

Nếu vật thể này không bao giờ đến gần Sao Hải Vương thì V774101 sẽ là một trường hợp nghiên cứu rất thú vị do quỹ đạo của nó không bị ảnh hưởng bởi các hành tinh lớn và sẽ giúp các nhà khoa học hiểu hơn về động lực học của khu vực bên ngoài Hệ ​Mặt ​Trời.

Hiện nay, tiểu hành tinh xa nhất trong ​Hệ ​Mặt ​Trời được xác nhận là Sedna, phát hiện năm 2003, và VP113, phát hiện năm 2012, có khoảng cách với Mặt Trời gấp hơn 80 lần khoảng cách giữa Trái Đất với Mặt Trời. Tuy nhiên, tiểu hành tinh này vẫn gần hơn so với vật thể số hiệu V774101, cách Mặt Trời gấp 103 khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời.

Phát hiện này được công bố tại một hội nghị khoa học hành tinh của Hội Thiên văn học Mỹ diễn ra tại Maryland tuần này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục