Phát hiện nhiều mẫu xăng có hàm lượng Octan thấp hơn quy chuẩn

Lực lượng chức năng Chống buôn lậu và gian lận thương mại của các địa phương đã phát hiện nhiều mẫu xăng có hàm lượng Octan thấp tại nhiều địa phương.
Phát hiện nhiều mẫu xăng có hàm lượng Octan thấp hơn quy chuẩn ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian qua, lực lượng Chống buôn lậu và gian lận thương mại của các địa phương đã phát hiện nhiều mẫu xăng có hàm lượng Octan thấp tại nhiều địa phương. Theo đó, chỉ số Octan (RON) trong xăng pha chế thấp (có vụ dưới 70% chỉ số theo quy chuẩn kỹ thuật).

[Khẩn trương xây dựng cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng]

Vụ việc gần đây nhất, ngày 1/11/2017, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhận được thông tin cửa hàng bán lẻ xăng dầu số 6 thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn và Thương mại Hồng Thái, tỉnh Bắc Giang kinh doanh xăng kém chất lượng, qua lấy mẫu đã phát hiện chỉ số RON chỉ đạt 69,4/92.

Nguồn gốc dung môi để pha chế xăng kém chất lượng, ​trong đó thủ đoạn của các đối tượng là pha chế từ 25 - 30% chất dung môi vào xăng qui chuẩn để ra loại xăng mới có chỉ số RON thấp.

​Không những thế, cơ quan chức năng còn phát hiện hợp đồng mua bán chất dung môi được ghi chất dung môi Solmix không được dùng cho động cơ đốt trong hoặc pha chế xăng, gây hậu quả đối với môi trường, an ninh năng lượng và quyền lợi của người tiêu dùng.

​Đây là thủ đoạn rất tinh vi, bởi theo chia sẻ của lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, tất cả các trường hợp mua bán xăng không đạt chất lượng mà lực lượng chức năng phát hiện trên địa bàn là do doanh nghiệp mua xăng trôi nổi sau đó phù phép sổ sách để cơ quan chức năng không phát hiện hành vi mua bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối.

Trong năm 2017, lực lượng liên Quản lý thị trường Bình Dương đã phát hiện 6 vụ vi phạm chất lượng, trong đó có 3 mẫu xăng E5 RON 92 và RON 95 tại một doanh nghiệp trên địa bàn không đạt chất lượng theo quy định.

Về nguồn xăng dầu trôi nổi, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, qua tuần tra lực lượng này đã phát hiện rất nhiều vụ buôn lậu dầu trên biển và đầu nậu lại chủ yếu mang yếu tố nước ngoài, trong khi người Việt Nam đăng ký đánh cá nhưng thực chất là đi ra các vùng biển giáp ranh để mua dầu lậu ngay trên biển.

"Các đối tượng hoạt động tinh vi, việc mua bán dầu diễn ra trên biển nhưng giao trả tiền diễn ra trên đất liền, chúng chỉ sử dụng điện thoại bằng sim rác, khiến việc xử lý đối tượng đầu nậu rất khó khăn," Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn cho hay.

Trước thực tế trên, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, lực lượng này sẽ tăng cường kiểm tra kiểm soát các mặt hàng thiết yếu như phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng...

Đặc biệt những địa bàn trọng điểm biên giới và khu vực đô thị lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… sẽ được lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Công an, Khoa học Công nghệ, Hải quan... đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật./.

Theo số liệu sơ bộ năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 225.837 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách từ tiền xử phạt vi phạt hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 23.101tỷ 638 triệu đồng.

Riêng các lực lượng chức năng của B​an chỉ đạo 389 Hà Nội đã kiểm tra 35.832 vụ, xử lý 26.143 vụ vi phạm; khởi tố 91 vụ đối với 118 đối tượng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục