Phát hiện nhiều vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở TP.HCM

Chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 8-22/1, Chi cục Thú y Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 117 lô và phát hiện 22 mẫu dương tính với các loại chất cấm trong chăn nuôi, chiếm 13,8%.
Phát hiện nhiều vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở TP.HCM ảnh 1Đoàn Thanh tra liên ngành thành phố kiểm tra một cơ sở chế biến sản xuất khô bò tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Chiều 26/1, tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Phan Xuân Thảo, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không những giảm mà còn có thể tăng trong dịp Tết Nguyên đán khi mà lượng thịt lợn về Thành phố tăng lên gấp 2,5 lần.

Cụ thể, chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 8-22/1, Chi cục Thú y Thành phố đã kiểm tra 117 lô và phát hiện 22 mẫu dương tính với các loại chất cấm trong chăn nuôi, chiếm 13,8%. Tình trạng này không những không giảm mà còn có thể tăng trong dịp Tết khi lượng hàng về Thành phố tăng lên gấp 2,5 lần.

Theo ông Phan Xuân Thảo, do quy định hiện nay việc sử dụng chất cấm Sabutamol trong chăn nuôi đã bị xử phạt nên người chăn nuôi đang có hướng “lách” bằng sử dụng chất tạo nạc khác như Dobutamine. Do đó, cần có chế tài để ngăn chặn từ đâu, không nên để xảy ra vi phạm rồi mới xử phạt như hiện nay.

Đại diện Ban chỉ đạo liên ngành Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhằm giám sát việc kinh doanh, sử dụng thực phẩm trên địa bàn, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân năm 2016, Thành phố đã thành lập 405 đoàn thanh tra, kiểm tra. Trong đó, có 3 đoàn thanh tra liên ngành Thành phố đã thanh tra 7 quận, huyện (Quận 1, 3, 5, 8, 11, 12 và quận Bình Tân) và sẽ tiếp tục thanh tra các quận, huyện còn lại. Từng sở, ngành của Thành phố thành lập 44 đoàn thanh tra chuyên ngành.

Ngoài ra, các quận, huyện thành lập 39 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành; khối phường, xã thành lập 319 đoàn kiểm tra lĩnh vực này.

Từ các cuộc thanh, kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong tháng cao điểm Tết và lễ hội. Các đoàn kiểm tra đã tiến hành xét nghiệm 154 mẫu, trong đó có 5,2% số mẫu không đạt an toàn. Trong số 1.975 cơ sở được thanh, kiểm tra, có 602 cơ sở vi phạm, chiếm hơn 30%.

Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 179 cơ sở, đình chỉ 3 cơ sở, tiêu hủy sản phẩm của 21 cơ sở với trên 1.835kg thực phẩm các loại; số cơ sở còn lại vẫn đang được tiếp tục xử lý. Các trường hợp vi phạm chủ yếu về điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị dụng cụ, lao động, chất lượng sản phẩm thực phẩm.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục