Phát hiện phế tích kiến trúc Phật giáo thời Trần

Bảo tàng Yên Bái vừa phát hiện hệ thống phế tích kiến trúc Phật giáo thời Trần ở Phù Nham, Văn Chấn, phía Đông cánh đồng Mường Lò.
Ông Trần Xuân Ca, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết, mới đây Bảo tàng tỉnh đã phát hiện hệ thống phế tích kiến trúc Phật giáo thời Trần ở đồi Pú Tre thuộc bản Ỏ, đồi Pú Chìa Chùa bản Nong và vườn nhà ông Lường Văn Xiên ở bản Đao, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn thuộc phía Đông của cánh đồng Mường Lò.

Từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX, ở xã Phù Nham các nhà khảo cổ đã phát hiện các di vật trống đồng, thuổng đồng, vòng tay đồng… thuộc văn hóa Đông Sơn.

Vào năm 2000, ông Lường Văn Xiên ở bản Đao sau khi thuê máy múc đất đào ao, ở độ sâu 60-80cm thì phát hiện khoảng 5- 6 lò nung, các loại gạch ngói lạ thời cổ: gạch chữ nhật, ngói mũi lá, mũi hài, ngói ống… Nay một phần lấp sâu chỗ khác, phần kè đắp bờ ruộng, bờ ao, vương vãi trong khuôn viên vườn nhà với số lượng khá lớn.

Còn tại đồi Pú Tre, cách nhà ông Lường Văn Xiên khoảng 1km về hướng Bắc, năm 1978, hợp tác xã người Hoa thuê máy ủi đỉnh quả đồi này trồng mía thì phát lộ ngói mũi hài, mũi lá. Khi ủi đến đỉnh mặt phẳng thì phát hiện đá bó vỉa, ngói, gốm, tiền cổ.

Máy ủi chết máy, họ cho là “thiêng” nên để nguyên tại chỗ, nay trồng chè, keo và trồng tre. Từ khi đồng bào miền xuôi lên tiếp tục khai phá đất trồng chè, quả đồi này được người Thái đen địa phương đặt tên là Pú Tre (nghĩa là đồi chè).

Tháng 6/2011, Bảo tàng tỉnh tổ chức đoàn điều tra khảo sát, thám sát thăm dò khảo cổ dưới chân đồi, đỉnh đồi Pú Tre, Pú Chìa Chùa và vườn nhà ông Lường Văn Xiên ở bản Đao.

Tại hai đỉnh đồi Pú Tre, Pú Chìa Chùa đều phát hiện được các loại đá gọi là "đá ông sư", gạch, ngói, ngói mũi hài, ngói mũi lá, ngói bò nóc, ngói bò nóc trang trí hoa sen, cánh sen lật, gốm hoa nâu.

Có điều lạ là loại đá ông sư đều lấy ở ngòi Thia để kè bó vỉa nhưng ở Pú Tre sử dụng loại đá từ 2kg trở lên, còn ở Pú Chìa Chùa chỉ sử dụng loại đá từ 1kg trở xuống. Chân tảng có khắc cánh sen, nhưng những viên đã này được nhân dân chuyển về làm đá mài dao nên bị mờ mòn, mất hoa văn khó xác định.

Đặc biệt, ở đồi Pú Chìa Chùa cách nhà ông Lường Văn Xiên 2km, cách đồi Pú Tre 1km đều về phía Bắc chỉ cần bóc một lớp đất màu nâu hơi đen (đất mùn) khoảng 35 đến 45cm là chạm vào gạch, ngói.

Đoàn điều tra, khảo sát cho rằng, khu nhà ông Lường Văn Xiên là khu sản xuất vật liệu đất nung xây dựng kiến trúc Phật giáo; ở Pú Tre và Pú Chìa Chùa, đá ông sư được vận chuyển từ suối Thia lên để kè bó vỉa nền của hệ thống kiến trúc kể trên.

Tuy vậy, tộc người Thái Đen vốn có chữ viết, cư trú trước đó lại không có trang viết nào cũng như các cụ già ở đây đều không biết gì về hệ thống di tích, phế tích đất nung đồ sộ từng tồn tại ở nơi đây. Hiện cũng chưa rõ mối quan hệ, liên quan gì đến kiến trúc Phật giáo thời Trần (ở Phú Thọ) hay Hắc Y - Lục Yên (Yên Bái) hay không.

Đoàn khảo sát đang tiến hành làm tờ trình đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái cho phép phối hợp với các chuyên gia khảo cổ học, tiếp tục mở rộng, nghiên cứu, khai quật lớn, dài hạn (vì phế tích hoàn toàn nằm sâu trong lòng đất) tại các điểm đã phát hiện khu vực này. Việc làm này có ý nghĩa lớn nhằm làm sáng tỏ lịch sử đời nhà Trần và lịch sử dân tộc Thái Đen Mường Lò - Văn Chấn. Rất có thể, đây là di tích thời Trần hiếm hoi có một không hai, lần đầu tiên phát hiện được ở phía Tây của tỉnh Yên Bái./.

Đức Tưởng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục