Phát hiện thêm 10 ca sốt xuất huyết ở nhiều thành phố tại Nhật

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ngày 16/9 xác nhận có thêm 10 ca mắc sốt xuất huyết ở Tokyo, Saitama và Chiba.
Phát hiện thêm 10 ca sốt xuất huyết ở nhiều thành phố tại Nhật ảnh 1Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi tại công viên Yoyogi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ngày 16/9 xác nhận có thêm 10 ca mắc sốt xuất huyết ở Tokyo, Saitama và Chiba, nâng tổng số ca nhiễm virus gây sốt xuất huyết trên 17 tỉnh thành cả nước lên 126 người.

Các ca sốt xuất huyết này có độ tuổi từ 10-50, trong đó có một bệnh nhân nam khoảng 40 tuổi phát bệnh hôm 29/8 không xác định được nguồn lây nhiễm vì người này không hề đến công viên Yoyogi và Shinjuku Chuo ở Tokyo. 9 ca bệnh còn lại đều được xác định là bị muỗi đốt ở khu vực trong và xung quanh công viên Yoyogi và Shinjuku Chuo. Cả 10 bệnh nhân không có ca nào biến chứng nặng.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, mã gen di truyền của virus lấy từ bé gái 10 tuổi chẩn đoán sốt xuất huyết hôm 11/9 ở thành phố Akita trùng khớp với virus ở các bệnh nhân nhiễm bệnh tại công viên Yoyogi. Bé gái này mới đây có đi ra nước ngoài nhưng cũng đã đến chơi tại công viên Yoyogi. Như vậy, kết quả xét nghiệm trên cho thấy bé gái trên đã nhiễm virus sốt xuất huyết từ nguồn lây bệnh ở Nhật Bản.

Cùng ngày, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng ra khuyến cáo người dân không sử dụng các loại thuốc hạ sốt và giảm đau có chứa thành phần Aspirin, Ibuprophen và Loxoprofen do lo ngại nguy cơ thúc đẩy xuất huyết trong các trường hợp sốt xuất huyết biến chứng thể nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bộ đề nghị các cơ sở y tế thay đổi các hướng dẫn và phác đồ điều trị lâm sàng đối với các trường hợp nghi nhiễm virus gây sốt xuất huyết.

Bên cạnh hiện tượng đau đầu và sốt cao, sốt xuất huyết còn làm giảm số lượng tiểu cầu có tác dụng cầm máu. Các loại thuốc chứa các thành phần trên có tác dụng phụ gây ức chế hoạt động của tiểu cầu. Điều này vô hình chung sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh ở các ca biến chứng nặng.

Hiện nay, chưa có vaccine hay thuốc kháng virus hữu hiệu đối với sốt xuất huyết và phương pháp cơ bản vẫn là điều trị triệu chứng như sử dụng Acetaminophen để hạ sốt và bù điện giải cho bệnh nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục