Phát hiện về nguyên lý tái sinh cơ thể của kỳ nhông

Các nhà khoa học đã phát hiện nguyên lý tự tái sinh tứ chi bị cắt rời của kỳ nhông - đó là khả năng tạo tế bào gốc đa chức năng.
Hầu hết động vật trong thế giới tự nhiên ở một mức độ nào đó đều có khả năng tái sinh. Móng tay và chân của con người có thể mọc được, vết thương cũng có thể lành lặn.

Một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Hannover (Đức) phát hiện, loài kỳ nhông có khả năng tái sinh tuyệt vời, không loài nào có thể sánh kịp. Các chi và khí quan của chúng sau khi bị đứt hoàn toàn có thể tái sinh.

Các nhà khoa học sau khi tiến hành nhiều thí nghiệm đối với loài kỳ nhông Ambystoma mexicanum đã phát hiện nguyên lý tự hồi phục tứ chi tàn phế và khí quan tổn thương của chúng.

Cụ thể là sau khi một chân của kỳ nhông Ambystoma mexicanu bị đứt, mạch máu trong cơ thể nó nhanh chóng thu lại và cầm máu, tế bào da nhanh chóng bao phủ lên vết thương và hình thành tế bào blastema.

Các nhà khoa học cho biết tế bào blastema là một loại tế bào gốc đa chức năng, thường tồn tại trong phôi thai mới hình thành, có khả năng phát triển thành một loại tế bào tùy ý trong cơ thể người như tế bào cơ bắp, tế bào thần kinh, tế bào da và tế bào máu.

Tế bào blastema có thể giúp làm lành các tổ chức bị tổn hại dưới da và phát triển thành các cơ quan tổ chức như mạch máu, cơ bắp, gân, xương và dây thần kinh.

Theo các nhà khoa học, nếu khả năng tái sinh kỳ diệu của kỳ nhông có thể được ứng dụng cho con người, điều này sẽ mang lại hạnh phúc lớn cho rất nhiều người tàn phế.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thừa nhận cần phải mất một thời gian rất dài để ứng dụng thành quả này vào tái sinh các chi và khí quan của con người./.

Ngọc Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục