Phát hiện vụ bê bối thịt ngựa nghiêm trọng tại Pháp

Cảnh sát Pháp đã bắt 21 người nhằm điều tra vụ dùng ngựa sản xuất huyết thanh ngừa bệnh dại và uốn ván để làm thực phẩm.
Phát hiện vụ bê bối thịt ngựa nghiêm trọng tại Pháp ảnh 1Một cửa hàng bán thịt. (Nguồn: AFP)

Ngày 16/12, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 21 người trong cuộc điều tra về cáo buộc ngựa sau khi được sử dụng để sản xuất huyết thanh ngừa bệnh dại và uốn ván đã bị giết thịt để làm thực phẩm.

Hơn 100 cảnh sát đã tiến hành chiến dịch khám xét nhằm vào các văn phòng của Công ty dược phẩm Sanofi và một số lò giết mổ gia súc ở miền Nam nước Pháp.

Ngoài ra, một lò mổ khác ở Gerona, Tây Ban Nha cũng bị khám xét.

Bốn bác sỹ thú y, 13 người kinh doanh thịt ngựa và đối tượng làm giả các giấy tờ thú y cho số ngựa trên đã bị bắt giữ; trong đó nghi phạm ở thành phố Narbonne, Tây Nam nước Pháp, bị cáo buộc là chủ mưu của vụ mua bán trái phép trên.

Cuộc điều tra được tiến hành sau khi cảnh sát nhận được cảnh báo 200 con ngựa, trong đó có 60 con thuộc sở hữu của công ty Sanofi, đã bị giết thịt để làm thực phẩm với hồ sơ theo dõi về thú y bị làm giả.

Vụ việc trên ngay lập tức gây ra những quan ngại về vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng.

Bộ trưởng các vấn đề tiêu dùng Pháp Benoit Hamon cảnh báo đây là vụ bê bối nghiêm trọng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn vụ "thịt ngựa giả bò" của một công ty Pháp khác là Spanghero hồi đầu năm.

Công tố viên thành phố Marseille phụ trách cuộc điều tra, Brice Robin, khẳng định qua xét nghiệm, chưa phát hiện các sản phẩm thịt ngựa trên chứa độc tố gây nguy hại tới sức khỏe của người tiêu dùng. Công tố viên này cũng cho biết thêm, dường như công ty Sanofi đã bán số ngựa của mình theo một cách "hoàn toàn hợp pháp."

Phản ứng trước thông tin trên, công ty Sanofi tuyên bố đang hợp tác với nhà chức trách để điều tra về "khả năng có gian lận" trong vụ việc, nhưng khẳng định việc sử dụng số thịt ngựa này không gây nguy hại đối với sức khỏe của người tiêu dùng, bởi ngựa chỉ được sử dụng làm nguồn cung cấp máu để sản xuất huyết thanh phòng bệnh, chứ không được sử dụng để thử thuốc. Hơn nữa, mỗi con ngựa đều được gắn chíp điện tử chứa các thông tin về đặc điểm, nguồn gốc.

Theo công ty, việc quy định không sử dụng số ngựa này để làm thực phẩm trong giấy chứng nhận bán hàng chỉ là một trong những biện pháp có tính chất cảnh báo, chứ không phải vì chúng gây ra bất kỳ nguy cơ nào.

Mặc dù bị coi là một điều cấm kỵ ở một số nước châu Âu, nhất là Anh, song thịt ngựa vẫn là một sản phẩm đã và đang được sử dụng rộng rãi ở Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha và Italy, tuy sản lượng tiêu thụ có chiều hướng giảm sút trong những năm gần đây./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục