Phát hiện "xác cây ướp" 500 năm ở Na Uy

Về nguyên tắc, các cây này phải nhanh chóng bị mục ruỗng như những cây gỗ ở các rừng nhiệt đới, nhưng lại gần như nguyên vẹn.
HTML clipboard Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học kỹ thuật Trondheim (NTNU) ở Na Uy cho biết họ mới phát hiện "xác cây ướp" hàng trăm năm ở phía Tây Nam nước này. Những cây thông đã chết khoảng 500 năm, nhưng vẫn còn nguyên và không bị mục ruỗng.
 
Các gốc cây được phát hiện nằm trong vùng ẩm ướt. Về nguyên tắc, chúng phải nhanh chóng bị mục ruỗng giống như những cây gỗ ở các rừng nhiệt đới, nhưng lại được bảo toàn gần như nguyên vẹn.
 
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân các thân cây này không bị mục ruỗng là do các cây khi chết đã tiết ra một chất nhựa tự bảo vệ trước tác động của các loài vi sinh vật.
 
Nhóm nghiên cứu của bà Terje Thun đã phát hiện ra những xác cây ướp này ở huyện Sogndal, khi họ đi tìm kiếm các gốc cây cũ để xác định nhiệt độ mùa hè cách đây hàng thế kỷ. Các vòng tròn trên thân cây cho phép kết luận về nhiệt độ tương ứng, vì sự phát triển của cây phụ thuộc vào đó.
 
Bà Terje Thun giải thích: "Chúng tôi đã thực sự ngạc nhiên khi phát hiện vẫn gỗ tươi trong các cây phát triển từ thế kỷ 13 và đã chết cách đây 500 năm." Sự độc đáo là ở chỗ gỗ các xác cây ướp này đã tồn tại được thời gian dài như vậy trong điều kiện khí hậu rất ẩm ướt vùng bờ biển phía Tây của Na Uy.
 
Lý giải cho trường hợp này, các nhà khoa học cho rằng cây thông khi chết đã tiết chế ra một lượng nhựa lớn và chất nhựa dính này đã ngăn cản các loại vi sinh vật có thể phá hủy và làm cây nhanh chóng bị mục.
 
Đặc tính này của nhựa thông đã được người Ai Cập cổ hàng ngàn năm trước tận dụng để ướp xác người và có hiệu quả tốt./.

Nguyễn Xuân/Berlin (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục