Phát huy năng lực nội sinh của giai cấp công nhân

"Chỉ có đứng vững trên lập trường quan điểm của giai cấp công nhân mới xử lý đúng mối quan hệ lợi ích giữa các giai tầng xã hội."
Góp ý vào Dự thảo các văn kiện Đại hội XI của Đảng, ông Đan Tâm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” nhấn mạnh Dự thảo Cương lĩnh, Báo cáo Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đều nhằm xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Định hướng đó đã thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích cơ bản và thiết thực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người và cũng phù hợp với lý tưởng và tương lai phát triển của giai cấp công nhân.

Theo ông Đan Tâm, vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng là vấn đề then chốt. Dự thảo Cương lĩnh nên đưa bản chất (Đảng của giai cấp công nhân) và sứ mệnh lãnh đạo của Đảng lên đầu trước tính tiên phong của Đảng.

Có thể viết như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, đồng thời là lợi ích của dân tộc, là đảng cầm quyền, có sứ mệnh lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội,” tiếp đến mới nói đến tính tiền phong của Đảng.

Công tác xây dựng Đảng, cần nêu bật tiêu chuẩn đầu tiên phải có của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp ủy đảng trong kinh tế thị trường là lập trường giai cấp công nhân, quan điểm quần chúng và ý thức Đảng (quan điểm quần chúng là lắng nghe dân, vì lợi ích của dân, tôn trọng dân, chịu trách nhiệm với dân).

Thực tế cho thấy rằng, chỉ có đứng vững trên lập trường quan điểm của giai cấp công nhân mới xử lý đúng mối quan hệ lợi ích giữa các giai tầng xã hội, bởi lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và lợi ích cơ bản của các giai tầng xã hội khác là thống nhất. Như công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là vì lợi ích lâu dài của đất nước, vì lợi ích và tiền đồ phát triển của giai cấp công nhân, cũng là vì lợi ích của dân tộc, của các giai tầng xã hội khác.

Vấn đề cụ thể có tính quyết định nữa là cần nhanh chóng phủ khắp cơ sở tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để hiện thực hóa vai trò lãnh đạo của Đảng ở hai khu vực kinh tế quan trọng chiếm đông đảo công nhân nhất…

Về trách nhiệm của Nhà nước và cán bộ nhà nước đối với giai cấp công nhân, cần cụ thể hóa, pháp luật hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp và về vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trong đó cần đặc biệt quan tâm phát triển những ngành, sản phẩm công nghiệp mà giai cấp công nhân là chủ thể mà ta có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh; là kiên định vai trò nòng cốt và chủ đạo của kinh tế nhà nước, không chỉ trong công nghiệp mà cả trong lĩnh vực giá cả và các lĩnh vực chủ yếu khác quan thiết đến đời sống công nhân, nhân dân như giáo dục-đào tạo, y tế, ngân hàng, dịch vụ, bảo hiểm…; là tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp trong nước sản xuất và đấu thầu những công trình và sản phẩm mà công nhân và cán bộ kỹ thuật Việt Nam đã làm được và vươn lên làm được.

Đây cũng là biểu hiện cụ thể ý thức tự chủ về kinh tế và lập trường, quan điểm giai cấp công nhân của những người quyết định đầu tư, đấu thầu và xét duyệt cấp giấy phép cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn nhấn mạnh: sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước là tiền đề và điều kiện cơ bản không thể thiếu để phát huy vai trò lãnh đạo, nòng cốt và đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của giai cấp công nhân, nhưng không thể thay thế năng lực nội sinh của bản thân giai cấp công nhân.

Để phát huy năng lực nội sinh của mình, đòi hỏi giai cấp công nhân và mỗi người công nhân, trí thức phải nâng cao ý thức giác ngộ về vai trò và trách nhiệm nòng cốt, đi đầu của giai cấp mình là biến Cương lĩnh thành hiện thực và có đủ kiến thức, năng lực nghề nghiệp để hoàn thành trách nhiệm vẻ vang của giai cấp công nhân. Công đoàn Việt Nam có trách nhiệm trực tiếp nặng nề đối với nâng cao ý thức giai cấp, ý thức trách nhiệm, kiến thức và năng lực thực tiễn của giai cấp công nhân.

Do vậy, phần nói về Công đoàn cần bổ sung: “Cần nâng cao thực quyền của Công đoàn đối với bảo vệ các quyền và lợi ích của công nhân, viên chức, lao động và bảo đảm các điều kiện cần thiết để Công đoàn thực hiện được quyền hạn, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật”.

Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, điểm nói về Giai cấp công nhân đã khá đầy đủ vì văn kiện Đại hội Đảng không thể diễn đạt chi tiết, cụ thể được. Quan trọng hơn là các quan điểm đó cần nhanh chóng được hiện thực hóa và cần kết hợp chặt chẽ xây dựng giai cấp công nhân với xây dựng và phát triển kinh tế, xây dựng Đảng, xây dựng và phát huy vai trò thực quyền của Công đoàn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đồng thời cần tăng cường đào tạo cán bộ Đảng, Nhà nước xuất thân từ phong trào công nhân và nâng cao tỷ lệ thành phần công nhân trong Đảng và trong các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục