Phát huy nội lực để đối phó với khủng hoảng toàn cầu

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam, quốc gia có GDP phụ thuộc hơn một nửa vào xuất khẩu, cần phát huy nội lực mới có thể đối phó với viễn cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay, Michael J. Peace, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhận định.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam, quốc gia có GDP phụ thuộc hơn một nửa vào xuất khẩu, cần phát huy nội lực mới có thể đối phó với viễn cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay, Michael J. Peace, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhận định.
 
“Lựa chọn tốt nhất là dựa vào chính mình” bởi khủng hoảng tài chính và sự giảm chi của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có thể gây khó khăn cho Việt Nam trong những tháng tới, ông Peace phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ở Hà Nội sáng 1/12. 
 
Dưới tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chỉ số lạm phát của Việt Nam trong năm nay ước tăng 22% và tính đến hết tháng 10, Việt Nam đã nhập siêu 16,29 tỷ USD. Đối với hoạt động xuất khẩu, những tác động bất lợi thể hiện ở mức kim ngạch xuất khẩu giảm liên tiếp từ tháng 9 và chỉ còn 4,8 tỷ USD vào tháng 11, mức thấp kỷ lục trong vòng 8 tháng qua.
 
Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đến là EU, 19%; Nhật Bản 16%, tuy nhiên, cả ba thị trường này đều đang gặp khó khăn nghiêm trọng do sự sụt giảm về chi tiêu. Ông Peace dự đoán xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ có thể bị giảm bởi hai phần ba hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam là hàng may mặc, giày dép và đồ gỗ - những sản phẩm hiện đang chịu tác động của sự suy giảm về tiêu thụ.
 
Vị Chủ tịch AmCham khẳng định rằng “chỉ bằng cách tăng năng suất và giảm chi phí kinh doanh thì Việt Nam mới có thể duy trì và cải thiện được mức tăng xuất khẩu.”
 
Theo ông, Chính phủ cần cân nhắc thời điểm thi hành nghị định mới về lương tối thiểu, tăng bảo hiểm xã hội và các loại thuế khác bởi nghị định này nếu có hiệu lực ngay từ đầu tháng 1/2009 sẽ đẩy mức chí phí kinh doanh của doanh nghiệp tăng do chi phí lao động trong các ngành sản xuất chính của Việt Nam tăng từ 20-30%.
 
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội Phạm Thị Loan cho rằng bên cạnh những chính sách ưu tiên khống chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần có những chính sách kích cầu, tăng sản xuất nội địa, giảm nhập siêu bền vững, cần có chính sách hậu nội lực, hậu sức dân một cách cụ thể, đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất trong nước.
 
Theo Báo cáo Điều tra Cảm nhận Môi trường Kinh doanh 2008 được công bố tại diễn đàn, muốn khai thác nguồn lực nội địa tốt, nhất thiết phải tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Để làm được việc này, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia điều tra đã nêu ra một loạt đề xuất những việc cần ưu tiên thực hiện. 
 
Có tới 46,1% trong tổng số 254 doanh nghiệp trên cho rằng cần cải thiện việc soạn thảo luật lệ; 40% muốn chính phủ bãi bỏ giấy phép không cần thiết; 37% muốn nâng cao thực thi pháp luật và 36% muốn cải thiện cơ sở hạ tầng.
 
Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại Australia (Auscham) Giles Cooper cho rằng, một môi trường kinh doanh ổn định và dễ tiên đoán luôn đòi hỏi hệ thống luật pháp và quy chế phải rõ ràng nhằm tạo điều kiện để các nhà đầu tư làm ăn hiệu quả. Công cụ luật pháp cần phải được xây dựng trên nền tảng lợi ích cho các công ty đang hoạt động tại Việt Nam và xét tới các chi phí dài hạn, ông Giles nói./. 
 
Việt Giang-Hồng Nhung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục