Phát huy sức mạnh cộng đồng trong cuộc chiến chống hàng giả

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên thông điệp "Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng cùng tham gia vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại."
Phát huy sức mạnh cộng đồng trong cuộc chiến chống hàng giả ảnh 1Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Cục Quản lý Thị trường với VATAP. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thông điệp "Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng cùng tham gia vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại," đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong cuộc Tọa đàm về xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ do  Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) phối hợp với Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức sáng nay, 20/6.

Ghi nhận những nỗ lực của lực lượng Quản lý Thị trường cùng các cơ quan thực thi đã phát hiện và xử lý trên 30.536 vụ hàng giả và vi phạm về sơ hữu trí tuệ trong năm 2014 và sáu tháng đầu năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nguyên nhân dẫn tới sự tồn tại của thực trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng đầu tiên chính là do các doanh nghiệp sản xuất chưa thực sự quan tâm tới việc giữ gìn, xây dựng và bảo vệ thương hiệu của chính mình, đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như uy tín của doanh nghiệp.

  

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng mà cụ thể là lực lượng quản lý thị trường chưa vào cuộc một cách nghiêm túc, thậm chí còn có hành động tiếp tay, dung túng, che dấu vi phạm. Trách nhiệm xã hội của truyền thông do thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin một cách chính thống. Ngoài ra, do ý thức của người dân chưa cao, thậm chí còn dễ dàng, chưa quyết liệt đấu tranh, lên án chống tại tội ác nảy sinh từ việc làm hàng giả, hàng nhái thương hiệu.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực thi, Quản lý Thị trường cần nỗ lực hơn nữa trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam.

Hiệp hội VATAP cũng như các doanh nghiệp thành viên cần tích cực hơn trong công tác cung cấp thông tin, đề xuất các giải pháp để có thể tự bảo vệ bản thân, bảo vệ thương hiệu và uy tín sản phẩm của doanh nghiệp. Vì không ai khác, “các doanh nghiệp cần biết tự cứu chính mình và cùng các cơ quan chức năng tham gia chống hàng giả."

Cùng với coi việc tổ chức, quán triệt các quy định pháp luật về đấu tranh chống sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sơ hữu trí tuệ là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả vi phạm sơ hữu trí tuệ, đặc biệt là những loại hàng giả có liên quan tới lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh... và quan trọng là phải xử lý kịp thời, không kéo dài. Đồng thời, xử phạt nghiêm đối với các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu làm hàng giả.

Thêm vào đó, củng cố lực lượng chuyên trách tham gia vào công tác đấu tranh chống hàng giả, đi đôi với việc phân định rõ trách nhiệm, địa bàn, lĩnh vực cho từng cơ quan, đơn vị chức năng, ở từng địa phương. Đối với những cán bộ, công chức tiếp tay, bao che, dung túng cho các vụ việc vi phạm và có dấu hiệu tiêu cực, phải được xử lý nghiêm, đảm bảo nội bộ vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu công tác trong lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ cần tiếp thu ý kiến từ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, để kịp thời xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp và thúc đẩy hơn nữa công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sơ hữu trí tuệ.

Nhận định tình hình, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội VATAP cho rằng trong giai đoạn tiến tới để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại càng đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ. Do vậy, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng để góp phần gắn kết và hợp tác với các đơn vị chức năng, các cơ quan thực thi pháp luật cùng toàn xã hội tạo nên sức mạnh tổng hợp chống vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sơ hữu trí tuệ.

Theo thống kê của Cục Cục Quản lý Thị trường, năm tháng đầu năm 2015, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 70.000 vụ và xử lý trên 45.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách trên 186 tỷ đồng. Riêng trong tháng 5/2015, kiểm tra trên 12.850 vụ, xử lý vi phạm 7.300 vụ và thu nộp ngân sách 31 tỷ đồng.

Mặc dù công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có chuyển biến và đạt được một số kết quả tích cực, phát hiện và xử lý số lượng lớn nhiều vụ việc vi phạm, song thực trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại, thách thức các lực lượng chức năng và bất chấp sức khỏe của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục