Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh.
Ngày 12/1, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị quán triệt Kết luận số 57-KL/TW ngày 3/11/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh; về công tác dân tộc; về công tác tôn giáo.

Mục đích của việc quán triệt là nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội quần chúng và cán bộ, đảng viên về mục tiêu, quan điểm, chủ trương và những giải pháp chủ yếu đã nêu trong Nghị quyết số 23, 24, 25 Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) và những nội dung mới trong Kết luận số 57.

Theo dự thảo hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương, việc quán triệt những nội dung trong Kết luận số 57 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội... tập trung quán triệt sâu sắc, thống nhất nhận thức về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thi đua công tác, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Một số cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; quan tâm giải quyết kiến nghị chính đáng của nhân dân, của các tổ chức tôn giáo về đất đai, cơ sở thờ tự, không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Dân chủ cơ sở cần được tăng cường; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng; thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội...

Chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...

Tiếp tục nâng cao, sâu sắc hơn nhận thức về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những nội dung trong Kết luận số 57 về kết quả thực hiện Nghị quyết 24 cần được quán triệt tới toàn thể lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tại các địa phương.

Trong đó, một số nội dung chủ yếu cần tập trung thực hiện là tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân, nhất là vùng miền núi, dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc; chống việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất ổn định chính trị xã hội.

Chính quyền các cấp tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách về dân tộc và công tác dân tộc; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào.

Các cơ quan, đơn vị chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội có trách nhiệm phối hợp thực hiện hiệu quả công tác dân tộc tại địa phương...

Căn cứ những nội dung kết luận của Bộ Chính trị về kết quả thực hiện Nghị quyết 25, các ngành, địa phương cần liên hệ thực tiễn để làm sâu sắc thêm những nhận định, đánh giá các mặt nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; những kết quả đạt được, những khuyết điểm, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Bên cạnh đó cần đánh giá trách nhiệm của các lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, vai trò quản lý nhà nước của chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội...

Các chủ trương, chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với tôn giáo và công tác tôn giáo cần được rà soát lại.

Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Kết luận số 57 về tôn giáo và công tác tôn giáo cần tập trung vào tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong đồng bào có đạo.

Xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện; công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp về sinh hoạt tôn giáo và các hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật./.

Thanh Hòa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục