Phát huy thương mại điện tử trong cạnh tranh DN

Giai đoạn 2011-2015, Việt Nam phấn đấu phát huy mạnh mẽ vai trò của thương mại điện tử trong năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn thương mại điện tử Việt Nam năm 2010 tổ chức ngày 1/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cho biết giai đoạn 2011-2015, Việt Nam phấn đấu phổ biến việc sử dụng thương mại điện tử, đạt mức tiên tiến so với các nước khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phát huy mạnh mẽ vai trò của thương mại điện tử trong năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp dịch vụ công bao gồm hoạt động xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, thuế, kinh doanh.

Trong đó, phấn đấu 100% doanh nghiệp sử dụng thường xuyên thư điện tử (email) trong giao dịch, sản xuất; 80% doanh nghiệp có website; 70% doanh nghiệp thực hiện mua bán sản phẩm hàng hóa qua website thương mại điện tử, hình thành một số sở giao dịch hàng hóa trực tuyến.

Cũng theo ông Hưng, thương mại điện tử chỉ mới áp dụng ở Việt Nam vào cuối năm 2005, sau đó nhanh chóng phát huy hiệu quả trên tất cả mọi mặt của đời sống. Nếu trước năm 2005, thương mại điện tử đang trong giai đoạn hình thành thì từ năm 2006-2010 là giai đoạn khẳng định và từ năm 2011 bước vào giai đoạn phát triển.

Do vậy, Chính phủ cần ban hành các chính sách khuyến khích phát triển cơ sở vật chất, chuyển giao khoa học công nghệ, phổ biến các quy chuẩn sử dụng trong thương mại điện tử, nâng cao năng lực trọng tài thương mại, thành lập thanh tra chuyên ngành về thương mại điện tử nhằm giải quyết kịp thời các tranh chấp phát sinh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tích cực hợp tác, tăng cường trao đổi quốc tế về thương mại điện tử.

Năm 2009, chỉ có 38% doanh nghiệp có website riêng, trong đó có không ít website nghèo nàn, đơn điệu, chưa khai thác hết thế mạnh thông tin và chỉ có 22% doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng và 24% doanh nghiệp nhận đặt hàng qua trang web.

Vấn đề an ninh, an toàn thông tin khi ứng dụng thương mại điện tử đang còn là mối lo của không ít doanh nghiệp và đó là một trong nhiều yếu tố gây nên tình trạng chưa phổ biến việc sử dụng thương mại điện tử như hiện nay ở Việt Nam.

Ngoài ra, theo đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, còn có ba “rào cản” khác là môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, hạ tầng kỹ thuật chưa tốt và tập quán kinh doanh. Đối với người tiêu dùng, tâm lý không tin tưởng, không an tâm và không biết cách thực hiện giao dịch thương mại điện tử vẫn còn phổ biến.

Có cùng quan điểm này, theo đại diện website vatgia.com, người bán và người mua chưa có cơ sở để tin tưởng lẫn nhau; bản thân tính năng các website thương mại điện tử của doanh nghiệp còn sơ sài, không tiện dụng, độ an toàn thấp và hầu như chỉ dừng lại ở mức độ rao vặt. Hệ quả là chưa thể xác lập được thói quen mua sắm trực tuyến ở trong nước. Vị đại diện này đề nghị cần có một sàn giao dịch thương mại điện tử đủ tin cậy, hiệu quả kinh tế cao, cung cấp đầy đủ các tính năng tiện dụng, an toàn.

Theo đại diện Ngân hàng SHB, tập quán thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam cũng là yếu tố gây khó khăn cho hoạt động thanh toán điện tử./.

Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục