Phát huy vai trò các tôn giáo trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam

Đại diện 41 tổ chức của 14 tôn giáo trên toàn quốc sẽ tụ hội về thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế tham gia hội nghị về phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường.
Phát huy vai trò các tôn giáo trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 2/12, đại diện 41 tổ chức của 14 tôn giáo trên toàn quốc sẽ tụ hội về thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế tham gia Hội nghị “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.”

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Bá Trình đã có cuộc trao đổi với phóng viên về ý nghĩa của hội nghị trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - trung tâm đoàn kết và phát huy sáng kiến của nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo…

-Thưa ông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được xem là mái nhà chung của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo. Với trách nhiệm của mình, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc đã có những việc làm gì để thúc đẩy các tôn giáo đoàn kết, hài hòa việc đạo việc đời?

Ông Lê Bá Trình: Để không ngừng xây dựng đoàn kết giữa các tôn giáo, tạo điều kiện để các tôn giáo thực hiện hài hòa việc đạo, việc đời, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã triển khai nhiều giải pháp về công tác tôn giáo, tập trung vào nhiệm vụ tăng cường tiếp xúc, đối thoại, chia sẻ thông tin; nắm bắt, tập hợp tâm tư nguyện vọng của chức sắc, tín đồ các tôn giáo.

Với tính chất liên hiệp, tự nguyện của tổ chức Mặt trận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên luôn thực hiện việc tiếp xúc, gần gũi, đối thoại với các tổ chức tôn giáo; lắng nghe, tập hợp tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của chức sắc, tín đồ để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết với yêu cầu vừa bảo đảm thực hiện đúng các quy định của chính sách, pháp luật, vừa đáp ứng nguyện vọng hợp pháp của nhân dân, trong đó có đồng bào là tín đồ các tôn giáo.

Mặt trận Tổ quốc các cấp động viên, khuyến khích và phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện để các tôn giáo tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là các phong trào, các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư;” “Ngày vì người nghèo;” “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;” Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường,” phong trào thi đua “ Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” …

Việc tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động là môi trường, điều kiện để các tôn giáo gắn bó, đoàn kết giữa những người có tôn giáo và những người không theo tôn giáo.

Có thể nói, mục tiêu, kết quả của các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động là một trong những điểm tương đồng để xây dựng và vun bồi sự đoàn kết, gắn bó giữa các tôn giáo, giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo với những người không có tín ngưỡng tôn giáo. Đó là cơ sở của việc xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc luôn quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo mình trong đời sống văn hóa, đạo đức, tinh thần của nhân dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên thường xuyên thăm hỏi, chúc mừng, phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện để các tôn giáo tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt là các ngày lễ trọng của mỗi tôn giáo.

Mặt trận hỗ trợ để các tổ chức tôn giáo hướng dẫn tín đồ thực hiện các hành động từ bi, bác ái, làm điều lành, tránh điều dữ; sống thân thiện và bảo vệ môi trường trong giáo lý yêu thương của các tôn giáo vì mục tiêu khát vọng đem lại sự an vui, hạnh phúc cho muôn người. Những giá trị tốt đẹp đó đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng đời sống văn hóa, làm phong phú tinh thần, hạnh phúc của nhân dân.

-Đây là lần đầu tiên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.” Ông có thể cho biết mục tiêu của hội nghị là gì?

Ông Lê Bá Trình: Mục tiêu, khát vọng của các tôn giáo với mục tiêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu thực hiện có điểm tương đồng. Mục tiêu của các tôn giáo là giải thoát con người ra khỏi những khổ ải của chốn trần thế, mưu cầu một cuộc sống an lành, hạnh phúc, người người thương yêu nhau trên tinh thần bác ái, từ thiện, bao dung. Mục tiêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Đó chính là cuộc sống an vui, hạnh phúc ở nơi trần thế. Để sự tương đồng về khát vọng và mục tiêu đó thành hiện thực, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tôn giáo cần cùng nhau tìm giải pháp cụ thể, thiết thực. Giải pháp đó là tạo điều kiện, môi trường để các tôn giáo động viên, hướng dẫn chức sắc, tín đồ thực hiện tốt những nội dung trong đường hướng hành đạo, trong giáo luật, giáo lý của tôn giáo mình phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, trong đó có chức sắc và tín đồ các tôn giáo.

Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa chiến lược hiện nay của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Nếu không có sự chung tay, góp sức của nhân dân cùng với những giải pháp về kỹ thuật, kinh tế, hợp tác quốc tế, chắc chắn không thể đạt được những mục tiêu, giải pháp về thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta đã đặt ra. Vì vậy, mục tiêu của Hội nghị lần này là phát huy mạnh mẽ hơn nữa sự gắn bó giữa đạo và đời của các tôn giáo.

Hội nghị thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng của các tôn giáo Việt Nam trước vấn đề, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thông qua quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị này, 41 tổ chức tôn giáo của 14 tôn giáo ở nước ta đều bày tỏ sự đồng thuận rất cao.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm việc, trao đổi với từng tổ chức tôn giáo. Mặc dù mỗi tôn giáo có giáo luật, giáo lý và cách hành đạo khác nhau nhưng tất cả đều đồng thuận rất cao việc tổ chức Hội nghị.

Mặt trận Tổ quốc đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp trách nhiệm, tâm huyết, chân thành của các tổ chức tôn giáo với mong muốn huy động các chức sắc, tín đồ tôn giáo cùng với các tầng lớp nhân dân đóng góp sức mình cùng Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu - một vấn đề cấp bách của đất nước hiện nay.

Tại Hội nghị, 14 tôn giáo sẽ đưa ra những thông điệp của tôn giáo mình, có cam kết chung về tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, 41 tổ chức tôn giáo cùng với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ký Chương trình phối hợp thực hiện bảo vệ môi trường và phó với biến đổi khó hậu giai đoạn 2015-2020.

Từ Chương trình phối hợp chung mang tính Quốc gia này, các tổ chức tôn giáo ở các tỉnh, thành phố sẽ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường cùng cấp xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình/Kế hoạch phối hợp hành động cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, tôn giáo. Định kỳ hằng năm, 3 năm và 5 năm tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.

-Trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ đổi mới nội dung công tác tôn giáo như thế nào để tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò là trung tâm đoàn kết và phát huy sáng kiến của nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo, thưa ông?


Ông Lê Bá Trình:
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác tôn giáo, trong đó, nhấn mạnh việc đổi mới nội dung và phương thức thực hiện công tác tôn giáo với những trọng tâm: tăng cường tiếp xúc, đối thoại, chia sẻ, lắng nghe, tập hợp tâm tư, nguyện vọng của chức sắc và tín đồ các tôn giáo để kịp thời phản ánh, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết.

Mặt trận Tổ quốc các cấp kịp thời chuyển tải những chủ trương, chính sách, pháp luật đến các chức sắc, tín đồ, giải thích, vận động để họ được thường xuyên cập nhật, đồng tình trong thiện; Phát huy mạnh mẽ các giá trị tốt đẹp của các tôn giáo trong đời sống xã hội, vai trò của các tổ chức tôn giáo và các chức sắc, người tiêu biểu trong tín đồ các tôn giáo để xây dựng sự đoàn kết trong các tôn giáo, đoàn kết giữa các tôn giáo; đoàn kết giữa người có tôn giáo và người không có tôn giáo.

Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện để các tôn giáo tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là tham gia các hoạt động xã hội hóa công tác xã hội ở cơ sở, như: giáo dục mầm non, dạy nghề, chăm sóc người nghèo, trẻ em cơ nhỡ, khám chữa bệnh từ thiện; tổ chức cho tín đồ thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, Nghị quyết hướng đến tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội để việc xây dựng, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo vừa đáp ứng với nhu cầu thực tế của bộ phận chức sắc, tín đồ, vừa bảo đảm quy định của Hiến pháp và pháp luật.

-Từ bài học liên kết phối hợp để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có những đề xuất, phương thức liên kết như thế nào để phối hợp đặc điểm hoạt động của các tôn giáo trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, thưa ông?


Ông Lê Bá Trình:
Đặc điểm của Việt Nam là có nhiều dân tộc, tôn giáo, với 54 dân tộc anh em, 14 tôn giáo và 41 tổ chức tôn giáo khác nhau. Mỗi dân tộc, tôn giáo đều có đặc thù riêng của mình nhưng có chung khối đại đoàn kết dân tộc. Sắp tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung vào tính đặc thù của từng dân tộc, từng tôn giáo để khai thác, phát huy thế mạnh này tạo nên một sức mạnh chung để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng bảo vệ tổ quốc, đặc biệt là việc bảo đảm độc lập chủ quyền của đất nước; xử lý các vấn đề quan trọng về bảo đảm môi trường bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục