Phát huy vai trò tôn giáo bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Trên 100 chức sắc, chức việc, nhà tu hành ở An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ đã tham dự Hội nghị tập huấn biến đổi khí hậu và kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chiều 15/6, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tập huấn biến đổi khí hậu và kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên 100 chức sắc, chức việc, nhà tu hành thuộc 6 tôn giáo ở 5 tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ gồm An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ đã tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu nắm những thông tin cơ bản về biến đổi khí hậu, kịch bản biến đổi khí hậu; các định hướng chiến lược, chính sách pháp luật và chương trình hành động liên quan đến biến đổi khí hậu của Việt Nam; vai trò và phát huy vai trò của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... từ đó đưa ra những biện pháp, kỹ năng để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, năm 2020 là năm thứ 5 cả nước triển khai thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sau 5 năm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức tôn giáo đã tích cực phối hợp, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ký kết chương trình hoặc kế hoạch phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo ở cấp tỉnh; qua đó đã tạo ra sự vào cuộc đồng bộ của các tôn giáo trong cả nước tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

[Đề xuất giải pháp giảm độ mặn cho đất nông nghiệp vùng ĐBSCL]

Kiên Giang có 11 tôn giáo được Nhà nước công nhận về mặt tổ chức; có 1.587 chức sắc, nhà tu hành, 3.580 chức việc, gần 600.000 tín đồ chiếm hơn 33% dân số, có 399 cơ sở thờ tự.

Thực hiện nhất quán đường lối chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, hoạt động đúng hiến chương, đường lối hành đạo.

Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp đã phối hợp tuyên truyền, vận động quần chúng, tín đồ tích cực thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hăng hái lao động, sản xuất, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động từ thiện, nhân đạo-xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo phương châm “Tốt đời, đẹp đạo.”

Hưởng ứng Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo của 40 tổ chức tôn giáo với 5 nội dung và 7 mục tiêu, giải pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang đã chủ động triển khai ký kết chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, 8 tổ chức tôn giáo trong tỉnh để triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kết quả từ năm 2016 đến nay, với sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tôn giáo cùng sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời và thiết thực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trên toàn tỉnh Kiên Giang, ngành Tài nguyên và Môi trường, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 110 mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; trồng 2.000 cây phân tán trên các tuyến đường và trong khuôn viên cơ sở tôn giáo; đã triển khai xây dựng được trên 100 lò đốt rác, hướng dẫn tín đồ xử lý, phân loại rác, xử lý nước thải đúng quy định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh về nhận thức.

Các hành động cụ thể trên đã làm thay đổi thái độ, ý thức, hành vi, thói quen, nếp sống văn hóa bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục