Phạt "nặng" 100.000 trường hợp vi phạm giao thông

Trong tuần đầu thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ, cả nước xử phạt gần 100.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
“Tai nạn, ùn tắc giao thông giảm rõ rệt, người dân đã có ý thức hơn khi tham gia giao thông.” Đó là khẳng định của Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và tuyên truyền, Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt sau một tuần Nghị định 34/CP của Chính phủ chính thức đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc xử phạt liên quan đến các hành vi người đi bộ sai quy định, người điều khiển phương tiện chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm… vẫn là những vấn đề còn vướng mắc, chưa thể áp dụng theo đúng chủ trương của Nghị định.  
Bước chuyển biến chấp hành giao thông
Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, từ ngày 20-5 đến ngày 26-5, cả nước đã xảy ra 269 vụ tai nạn giao thông và xử phạt hơn 98.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ứng với những con số xử phạt khá lớn, Thượng tá Trần Sơn khẳng định, bước đầu Nghị định 34/CP đã đạt được những hiệu quả tích cực. Nghị định đã tạo được sự chuyển biến trong việc chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Nghị định có nhiều điểm mới như tăng nặng chế tài xử phạt nên được dư luận quan tâm. “Ngày ra quân 20/5 nằm trong cao điểm của kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông dịp hè của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, do đó, Cục đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để phát hiện, xử phạt vi phạm,” ông Sơn nhận định. Ông Sơn cho rằng, tình hình trật tự an toàn giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có bước chuyển biến, ý thức của người tham gia giao thông đã tốt hơn, điển hình là đội ngũ lái xe. Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, sau một tuần triển khai áp dụng mức xử phạt tăng nặng theo Nghị định 34 của Chính phủ, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 6.869 trường hợp vi phạm, phạt gần 2 tỷ đồng. Sau năm ngày triển khai Nghị định 34/CP, thành phố Hà Nội đã giảm hẳn số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó chỉ xảy ra một vụ tai nạn giao thông, làm 4 người chết tại huyện Ba Vì.   Trung sĩ Ngô Tuấn Nam (Đội Cảnh sát giao thông số 1) đứng trực ở chốt ngã tư Hàng Khay – Tràng Tiền cho hay, tình hình vi phạm giao thông tại nút giao thông này mấy hôm nay giảm so với tuần trước. Theo Trung sĩ Long, Nghị định ban hành ra đã có bước chuyển biến tích cực và hy vọng những ngày sau, khi lực lượng liên ngành xử phạt quyết liệt thì tỷ lệ vi phạm còn tiếp tục giảm. Khó xử phạt người… đi bộ, trẻ em đội mũ bảo hiểm Cùng với mức phạt nặng, các hành vi như đỗ xe sai quy định, đi đúng làn đường, đội mũ bảo hiểm khi tham gia lưu thông trên đường đã được người dân chấp hành nghiêm chỉnh hơn. Mặc dù khâu tuyên truyền được tổ chức khá tốt, nhưng một số ít người dân vẫn chưa biết đến quy định mới, dẫn đến tình trạng khi vi phạm, bị lực lượng cảnh sát giao thông phạt thì tỏ ra ngỡ ngàng với mức phạt khá cao. Trung tá Trần Ngọc Ánh, Đội trưởng đội tham mưu, Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội cho hay, tuần vừa qua các đội cảnh sát giao thông trên địa bàn Hà Nội đã tập trung xử lý được khá nhiều vi phạm, tuy nhiên riêng hành vi đi bộ sai quy định vẫn chưa xử lý được là bao. Cả tuần mới chỉ xử lý được… 6 trường hợp vi phạm. Lý giải về điều này, ông Ánh cho rằng: “Do nhiều tuyến đường đang trong quá trình sửa chữa, nhiều nơi hành lang dành cho người đi bộ lại bị lấn chiếm nên việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn.” “Thời gian tới chúng tôi cũng hy vọng các lực lượng lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường cùng vào cuộc phối hợp giải quyết những tuyến đường có lấn chiếm, trả lại đường thông, hè thoáng cho người đi bộ,” ông Ánh nói. Thượng tá Trần Sơn cũng thừa nhận, việc thực thi nghị định vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với những trường hợp người đi bộ không đúng quy định áp dụng tại các đô thị đặc biệt. Nguyên nhân là do ý thức người đi bộ chưa cao, mặt khác là do vạch sơn kẻ đường dành cho người đi bộ nhiều nơi đã bị mờ, chưa kịp kẻ lại gây khó khăn cho cả người dân lẫn lực lượng chức năng khi tham gia xử lý vi phạm. “Ngoài ra, tình trạng nhiều phụ huynh vẫn chưa quan tâm đến việc cho con trên 6 tuổi đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên đường. Với những trường hợp này, khi cảnh sát giao thông muốn xử lý cũng không thể căn cứ vào đâu vì thường phụ huynh không có thói quen mang theo giấy khai sinh bên mình,” ông Sơn cho hay. Từ 1/6, Nghị định 27/CP quy định về việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết có hiệu lực sẽ tạo nên một sức mạnh tổng thể để lập lại trật tự an toàn giao thông. “Chúng ta phải xây dựng cho được một nền tảng văn minh giao thông cho người tham gia giao thông, ngoài việc hoàn chỉnh cơ cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ngay cả cảnh sát giao thông cũng cần có văn hóa và trách nhiệm hơn trong công tác xử phạt,” ông Sơn chia sẻ.
Số liệu thống kê của phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, lỗi vi phạm nhiều nhất là mũ bảo hiểm chiếm tới 1469 trường hợp, vi phạm ngồi trên ô tô không thắt dây an toàn là 1139 trường hợp, dừng đỗ sai quy định là 847trường hợp, đi sai phần đường là 376 trường hợp, vượt đèn đỏ 425 trường hợp, chở hàng cồng kềnh 118 trường hợp, không giấy phép lái xe 36 trường hợp, xe khách đón trả khách sai quy định là 32 trường hợp…

Đối tượng vi phạm cũng được tổng hợp khá chi tiết, gồm: ô tô khách là 241 chiếc; xe tải, xe con là 2.592 chiếc; taxi 39 chiếc; mô tô là 3583 chiếc; xe thô sơ là 10 chiếc.

Lực lượng cảnh sát giao thông  Hà Nội cũng đã tạm giữ 20 ô tô, 76 mô tô, 2 xích lô, 1.686 bộ giấy tờ./.  
Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục