Trong những năm qua, ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp Việt Nam, chiếm từ 10% -12% GDP, đáp ứng đủ và kịp thời nguyên liệu như than đá, thiếc, chì, kẽm sắt, đồng, appatit cho một số ngành kinh tế sử dụng nguyên liệu khoáng là nhiệt điện, ximăng, hóa chất, luyện kim...
Hầu hết các mỏ kim loại, phi kim loại và một số khoáng sản có nhu cầu sử dụng lớn trong danh mục thăm dò, khai thác của quy hoạch, đều đã được triển khai thăm dò và huy động vào khai thác, cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp trong nước và một phần xuất khẩu.
Riêng năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành khoáng sản đạt 9,1 tỷ USD (trong đó dầu thô là 7,2 tỷ USD), chiếm 9,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, một số doanh nghiệp khai khoáng nhà nước đã vươn lên đóng vai trò then chốt với công nghệ hiện đại, quy mô lớn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam... Trong đó PVN và Vinacomin là hai tập đoàn chủ chốt của Nhà nước, luôn đứng trong tốp 5 các tập đoàn đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Một số doanh nghiệp đã và đang vươn ra hợp tác và đầu tư khai thác khoáng sản ở nước ngoài. Cụ thể như PVN đã đầu tư sang Nga, Malaysia, Algeria, Cuba, Lào, Madagascar; Vinacomin đầu tư sang Lào, Campuchia...
Nhằm phát triển ngành công nghiệp khai khoáng thành một trong các ngành công nghiệp chủ chốt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 02 ngày 25/4/2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với quan điểm chung là phải khai thác và chế biến khoáng sản có hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững, vì lợi ích lâu dài của đất nước.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương (thừa ủy quyền của Thủ tướng) đã phê duyệt 13 dự án Quy hoạch khoáng sản, bao gồm 31 loại khoáng sản chủ yếu.
Đến nay, đã có 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành và phê duyệt Quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền quản lý.
Nhờ đó, các tổ chức và cá nhân khai thác khoáng sản đã có ý thức hơn trong việc tuân thủ quy định của pháp luật, gắn mục tiêu lợi ích sản xuất, kinh doanh khoáng sản với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh-quốc phòng và an toàn lao động.
Việc đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản với quy mô công nghiệp đang từng bước được nâng cao về năng lực công nghệ, thiết bị, quản lý và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao./.