Năm 2020 là năm đầu tiên trong vòng 60 năm qua thế giới chứng kiến sản lượng nuôi trồng thủy sản sụt giảm do dịch COVID-19.
Việc hạn chế di chuyển, đóng cửa tạm thời các nhà hàng và khách sạn, cùng các biện pháp vệ sinh bổ sung đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các đơn vị nuôi trồng thủy sản do nhu cầu giảm và chi phí sản xuất gia tăng.
Một nghiên cứu ước tính thiệt hại do các đợt phong tỏa đối với ngành nuôi tôm ở Ấn Độ vào khoảng 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, ở một số nước như Ecuador, Indonesia và Việt Nam, sản lượng tôm vẫn tăng bất chấp khó khăn.
Đáng chú ý, vào năm 2020, Ecuador đã giành vị trí nhà xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới từ Ấn Độ.
Trong khi giá cả vẫn ở mức thấp, sự phục hồi sớm của thị trường Trung Quốc và nhu cầu gia tăng đối với thực phẩm chế biến sẵn ở Mỹ đã dẫn đến sự phục hồi của thị trường thủy sản toàn cầu vào cuối năm 2020.
Khi ngành nuôi trồng thủy sản mở rộng trên khắp thế giới, cạnh tranh toàn cầu cũng gia tăng và đó cũng là lúc người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn những vấn đề về tính bền vững xung quanh lĩnh vực này.
[Indonesia muốn hợp tác nuôi trồng thủy sản với Việt Nam]
Khi người tiêu dùng ở khu vực trở nên giàu có hơn, họ sẽ đòi hỏi sự đa dạng cao hơn trong chế độ ăn uống. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ở châu Á vì thế cần theo kịp nhu cầu ngày càng tăng đồng thời bảo đảm tính bền vững của tăng trưởng.
Để làm được điều này, một số khuyến nghị đã được nêu ra. Trước hết, để bảo đảm rằng người nuôi cá tuân thủ các thông lệ tốt, chính phủ và các tổ chức hỗ trợ nên tích cực sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Nhiều yếu tố quan trọng đối với nuôi trồng thủy sản bền vững, ví dụ như chất lượng nước và sức khỏe vật nuôi, có thể được hình dung rõ ràng bằng các công nghệ gần đây và giúp người nông dân đưa ra quyết định canh tác phù hợp.
Ngoài ra, họ cũng có thể sử dụng công nghệ kỹ thuật số để bảo đảm truy xuất thông tin về nguồn gốc sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn. Điều này sẽ làm tăng uy tín của quốc gia xuất khẩu.
Một khó khăn trong việc nuôi cá là tình trạng tràn nước từ các ao nuôi cá sang các trang trại trồng trọt lân cận. Do đó, cần đưa ra những quy tắc và kế hoạch giám sát việc sử dụng nước, tốt nhất là do chính những người trồng trọt và nuôi cá tự thực hiện.
Những hệ thống quản lý nước địa phương này được phổ biến trên khắp thế giới giữa những người trồng trọt và nuôi cá - những người chia sẻ nguồn nước ngầm để tưới tiêu nhằm bảo vệ lợi ích chung của địa phương.
Cuối cùng, cần nghiên cứu thêm về các phương thức nuôi cá phù hợp với môi trường của các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Mặc dù việc nghiên cứu và phát triển quy mô lớn để nuôi tôm hoàn toàn trong đất liền tại các cơ sở như nhà máy đã được tiến hành tại các nước phát triển, nhưng những nghiên cứu này không áp dụng cho các hộ chăn nuôi nhỏ ở châu Á.
Bản thân những người nông dân quy mô nhỏ cũng đã thử áp dụng các phương pháp canh tác sáng tạo trong lĩnh vực này, chẳng hạn nuôi tôm trong môi trường nước có độ mặn thấp, xen canh hoặc luân canh tôm-lúa để kiểm soát độ mặn và chất dinh dưỡng của đất, và sử dụng các ao hình tròn thay vì hình vuông để thúc đẩy lưu thông nước tốt hơn. Những đổi mới ở cấp độ nông trại này nên được xem xét kỹ lưỡng hơn và thúc đẩy nếu được chứng minh là có hiệu quả.
Việt Nam là một trường hợp điển hình thú vị. Năm 2000, Việt Nam cho phép chuyển đổi ruộng lúa thành ao nuôi. Ban đầu, tôm xuất khẩu của Việt Nam bị nhiều quốc gia nhập khẩu từ chối, với nguyên nhân chính được nêu là do dư lượng kháng sinh cao trong sản phẩm.
Sau những nỗ lực phối hợp của các nhà sản xuất, thương nhân và các cơ quan chính phủ, tỷ lệ từ chối tôm xuất khẩu từ Việt Nam đã giảm xuống và Việt Nam hiện là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất trên thế giới.
Đại dịch cho thấy rõ rằng các phương thức nuôi trồng thủy sản trước đây là không bền vững. Do đó, việc áp dụng các chính sách và thực tiễn phù hợp sẽ hỗ trợ những người nuôi cá và hàng triệu người dân ở châu Á và Thái Bình Dương - những người đang dựa vào con cá để nuôi sống gia đình mình./.