Phát triển công nghệ mới phải phù hợp điều kiện VN

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh, nghiên cứu để đưa ra những dịch vụ, công nghệ mới phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Chiều 16/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Triển lãm và Hội thảo Truyền thông quốc tế (Vietnam Comm 2011), đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã có phiên thảo luận với chủ đề "Hiện trạng, tiềm năng và các cơ hội hợp tác của ngành Viễn thông, Công nghệ thông tin Việt Nam. Ứng dụng dịch vụ Viễn thông, Công nghệ thông tin vào Chính phủ điện tử, Y tế, Giáo dục và các tiện ích phục vụ cộng đồng."

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, Việt Nam là một trong những nước có thị trường viễn thông, công nghệ thông tin phát triển nhanh và cạnh tranh nhất trên thế giới.

Tính đến hết năm 2010, mật độ thuê bao điện thoại cố định đạt 18%, mật độ thuê bao di động đạt 140%, mật độ sử dụng internet 32%, mật độ thuê bao internet băng rộng 14%, vùng phủ sóng 3G đạt 80% dân số với hơn 8 triệu thuê bao... Tuy nhiên, ngành viễn thông Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức về thị trường và công nghệ viễn thông. Thị trường đã dần trở nên bão hòa, mức độ cạnh tranh đã trở nên rất gay gắt.

Thứ trưởng nhấn mạnh, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cần tìm hiểu, nghiên cứu để đưa ra những dịch vụ, công nghệ mới nhưng vẫn phù hợp với thị trường, văn hóa và thu nhập tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc đầu tư cơ sở hạ tầng có vai trò quyết định. Một hạ tầng băng rộng hiện đại, đồng bộ, phủ sóng rộng rãi trên toàn quốc sẽ thúc đẩy các ứng dụng điện tử trong đời sống kinh tế xã hội, giảm các chi phí đầu tư xã hội cũng như phát triển các dịch vụ mới chất lượng cao và giá cước hợp lý.

Các đại biểu trong nước và quốc tế cũng đã trao đổi về xu thế phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và giá trị gia tăng tại Việt Nam. Theo đó, mô hình kinh doanh viễn thông truyền thống đang dần chuyển sang mô hình băng rộng di động, trong đó, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các dịch vụ tiện ích trên nền công nghệ 3G, và sắp tới là 4G.

Vì vậy, các doanh nghiệp viễn thông-công nghệ thông tin sẽ tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ nội dung thông tin qua các hộp thư trả lời tự động; các sản phẩm dịch vụ phục vụ giáo dục như đào tạo trực tuyến, giáo trình trực tuyến. Các dịch vụ thương mại điện tử, thanh toán điện tử, truyền hình tương tác... cũng sẽ được đầu tư phát triển./.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục